Tết sớm ở làng nghề bánh chưng, giò chả Tân Ước

Tết sớm ở làng nghề bánh chưng, giò chả Tân Ước
Nghề làm bánh chưng truyền thống ở Tân Ước được truyền qua nhiều thế hệ. Bánh chưng Tân Ước ngày nay đã trở thành một một sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng của đất Hà thành. Những ngày này ở làng nghề Tân Ước không khí làm nghề thật sôi động. Phụ nữ đảm nhiệm khâu vo gạo, ngâm đỗ, rửa lá dong, đàn ông thì trải chiếu giữa sân thoăn thoắt gói bánh. 

Qua bàn tay của những người thợ tài hoa, những chiếc bánh được gói bằng tay vẫn vuông vức, đều tăm tắp. Sau khi luộc, bánh có lớp vỏ xanh đều; bánh có sự mềm dẻo của gạo nhưng không bị nát, khi ăn rất nhuyễn mà không bị ngái, không gây cảm giác nóng bụng, đầy hơi cho thực khách. 
 
Đậm đà hương vị bánh chưng Ước Lễ trong ngày Tết. Ảnh: Thu Hằng - TTXVN
Đậm đà hương vị bánh chưng Ước Lễ trong ngày Tết.
Ảnh: Thu Hằng - TTXVN

Ở Tân Ước bây giờ chỉ còn lại khoảng 10 hộ dân tiếp tục làm nghề bánh chưng. Nhưng cuộc thi gói bánh chưng lớn nào trên phạm vi toàn quốc cũng có nghệ nhân của Tân Ước tham gia và đều giành giải cao. Năm 2008, đoàn nghệ nhân gói bánh chưng của Tân Ước gồm 5 người tham gia Lễ hội gói bánh nhanh ở đất Tổ Hùng Vương đã xuất sắc phá kỷ lục khi vừa chuẩn bị nguyên liệu vừa gói xong 10 chiếc bánh chỉ trong 4 phút 37 giây. 

Thời gian trôi qua, chiếc bánh chưng Tân Ước cũng có những đổi thay. Nghệ nhân gói bánh chưng Vũ Bá Chung, người có hơn 30 năm gắn bó với nghề gói bánh chưng chia sẻ, ngày trước chiếc bánh chưng ít đỗ, ít thịt, gạo nếp còn cả tấm. Lúc đó, gạo được vo trong thúng, lúc gói thì trải lá ra mâm gỗ, muốn tạo màu xanh cho bánh người thợ gói bánh phải dùng lá riềng, tất cả đều làm thủ công và việc bảo quản cũng thủ công. 

Ngày nay, bánh chưng Tân Ước được gói bằng loại gạo ngon hơn, được sàng sạch tấm cho hạt gạo đều và trắng. Lượng đỗ và thịt trong mỗi chiếc bánh cũng nhiều hơn, trung bình 80 – 100g đỗ, 150 – 170g thịt lợn cho một chiếc bánh cỡ vừa. Ông Nguyễn Đức Toàn, chủ cơ sở sản xuất giò chả, bánh chưng, nem chua Đức Tín (thôn Tri Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) cho biết, ngoài các yêu cầu về nguyên liệu như gạo phải ngâm không dưới 5 tiếng nhưng không quá 6 tiếng đồng hồ, nước ngâm gạo phải là nước mưa đã qua 2 lần lọc, lá dong phải dẻo và không bị giập, gãy….Kỹ thuật làm bánh chưng Tân Ước có những “bí kíp” gia truyền của từng hộ, chỉ được truyền lại cho người con trai và con dâu trong gia đình. Những bí kíp và công thức ấy giúp bánh chưng Tân Ước không cần dùng hóa chất, chất phụ gia mà vẫn có hương vị thơm ngon đặc trưng và bảo quản được lâu. 

Với tình yêu nghề, những người thợ làm bánh chưng Tân Ước ngày nay tuyệt đối tuân theo quy trình làm bánh chưng sạch. Tùy theo nhu cầu của khách, tỷ lệ gạo - đỗ - thịt được cân đối nhưng có một quy tắc là mọi nguyên liệu đều phải là thực phẩm an toàn, không dùng hóa chất, không dùng chất phụ gia trong bất kỳ công đoạn nào. Trong quá trình làm bánh, mọi dụng cụ đều được rửa sạch, người thợ phải đeo găng tay khi gói bánh, sau khi vớt bánh xong, người thợ dùng máy hút chân không để bảo quản bánh được lâu hơn. Nghệ nhân Vũ Bá Chung khẳng định, làm bánh chưng phải giữ chữ tín, sản phẩm có sạch, an toàn mới thu hút được nhiều người mua. 

Chương trình Bữa ăn an toàn do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện đã hỗ trợ đưa các nguồn thực phẩm an toàn về cho làng nghề bánh chưng Tân Ước. Bà Hồ Thị Mai Chinh, Chủ nhiệm Chương trình Bữa ăn an toàn cho biết: “Nắm bắt nhu cầu thực phẩm sạch hiện nay của cộng đồng, Chương trình Bữa ăn an toàn hỗ trợ giới thiệu cho các cơ sở sản xuất bánh chưng Tân Ước những thương hiệu nông sản sạch uy tín như gạo Bảo Minh, thịt lợn nuôi bằng thảo dược Bắc Bình…nhằm mang đến cho cộng đồng những sản phẩm an toàn và chất lượng, không chỉ vào dịp Tết mà còn vào ngày thường, đúng như mục tiêu của chương trình là mang đến những bữa ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân Thủ đô”. 

Ông Vũ Minh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Ước cho biết, giò chả, bánh chưng là  những sản phẩm ẩm thực truyền thống của người Việt. Hiện nay, xã Tân Ước đã dành khoảng 2 ha đất để xúc tiến xây dựng thương hiệu làng nghề, chuẩn bị thành lập Hiệp hội làng nghề và kết hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh ở địa phương.
Mai Linh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm