Tết nhảy của người Dao

Tết nhảy của người Dao
Nét văn hoá trường tồn của cộng đồng người Dao

Người Dao Quần Chẹt (quần chít) sinh sống tập trung thành làng, bản tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Trải qua nhiều biến cố thiên di và cuộc sống du canh du cư, tộc người Dao ở Phú Thọ vẫn duy trì nhiều lễ tục, diễn xướng dân gian được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tiêu biểu là nghi lễ: Lễ cúng Bàn Vương, Lễ Cấp sắc và Lễ hội Tết nhảy, trong đó Tết nhảy là một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất của người Dao quần Chẹt.
 
Nghi lễ chúc phúc.
Nghi lễ chúc phúc.

Tết nhảy hay “Nhiang chằm Đao” là nghi lễ cúng Bàn Vương - thủy tổ của dân tộc Dao. Tết nhảy là một lễ hội tu bổ bàn thờ định kỳ, nghi lễ tạ ơn tổ tiên và các vị thần được tổ chức vào tháng 12 âm lịch, mỗi chu kỳ Tết nhảy từ 15 đến 20 năm, với mong ước, con người sẽ vượt qua mọi gian khổ, đoàn kết chống lại các thế lực làm hại đến đời sống yên lành và cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh.

Theo tục lệ, Tết nhảy chỉ tổ chức tại không gian “Nhà cái” (nhà có bàn thờ tổ) đây là việc của mỗi gia đình, nhưng được cả bản chung tay góp sức, từ việc nấu cỗ cho đến các nghi thức lễ lạt nên cũng được coi như Tết chung của cả vùng thể hiện lòng thành kính biết ơn, tri ân công đức sâu dày của tổ tiên. Lễ hội Tết nhảy thường được tổ chức vào khoảng thời gian từ ngày mùng 1 đến 25 tháng Chạp và được cúng vào buổi sáng, thời gian lễ hội diễn ra đầy đủ là khoảng 3 ngày 3 đêm.
 
Điệu nhảy trong tiếng chuông, tiếng trống quay cuồng, sôi động.
Điệu nhảy trong tiếng chuông, tiếng trống quay cuồng, sôi động.

Chủ nhà ấn định ngày, mời dân làng làm giúp các việc như: cắt giấy, trẻ que làm cán cờ, bổ cây đẽo dao, kiếm, dìu, búa, súng, lệnh bài… rồi viết chữ vào lệnh bài, dìu, thuổng, đóng đồng xu vào giấy làm tiền, in hình ngựa vào giấy… số lượng mỗi loại bao nhiêu do chủ nhà tính toán, một số người thì nấu nướng đồ lễ, giã bánh dầy và treo tranh thờ. Tất cả mọi công việc được diễn ra nhanh chóng làm không khí càng thêm tấp nập.

Đặc sắc trong nghi lễ

Lễ hội Tết nhảy gồm các nghi lễ: Cúng Tết Nguyên đán; cúng chuyển tiếp (Cúng từ Tết Nguyên đán sang Tết nhảy); khai đàn. Lễ vật dâng tế gồm: Hương, hoa, đăng, quả, thủ lợn, gà, xôi, bánh dầy, rượu, nước, tiền đồng xu, cờ các loại, dao thờ… Đội cúng tế: gồm 3 người, 1 người là thầy cúng, 2 người phụ giúp thầy cúng.

Khi thầy cúng đến, chủ nhà mời ngồi, rót nước mời hỏi thăm sức khỏe, nói với thầy cúng bàn thờ nhờ ông cúng Hương hỏa tổng thần, Thượng đàn binh, Hạ đàn tượng, Bàn vương thánh đế, Chủ trạch long thần, Tổng thể gia tiên, Tam Thanh chính minh, Cao chân đại đạo, Tiên đường Tứ phủ về bàn thờ, mời Hạ đàn binh sư phụ cùng cho phép gia đình và dân làng mở lễ hội Tết nhảy.
Thầy cúng tiến hành các nghi lễ cúng Bàn Vương.
Thầy cúng tiến hành các nghi lễ cúng Bàn Vương.

Nét đặc sắc của Tết nhảy chính là phần hội, với nhiều loại hình diễn xướng dân gian như: trình diễn các điệu múa Chuông, múa Rùa, múa Kiếm và đọc các bài thơ về các vị thần. Lễ và hội cùng đan xen nhau, người ta vừa cúng vừa múa và đọc thơ. Đầu tiên là múa bài Thượng đàn, mỗi người cầm một thứ dụng cụ như: Chuông, thanh la, trống, chiêng, gậy thờ… vừa múa, vừa hát, sau đó là múa Kiếm. Đây là điệu múa có ý nghĩa mở đường, dọn đường, quét đường, cưỡi phượng, cưỡi ngựa, đóng chuôi dao, mài dao, múa cờ… Múa Chuông là điệu múa thể hiện nghi lễ tạ ơn tổ tiên và các vị thần đã bảo vệ cuộc sống cho dân làng, dòng tộc, cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Múa Rùa là một trong những điệu dân vũ được thể hiện trong Tết nhảy. Trước bàn thờ cúng Bàn Vương, thầy cúng đi trước, theo sau là tốp thanh niên ăn mặc đẹp, gọn gàng nối tiếp nhau nhảy quanh đàn cúng, diễn tả các động tác tìm, bắt, trói rùa, ba ba khiêng về để dâng cúng Bàn Vương và các vị thánh thần, tổ tiên. Điệu múa thể hiện lòng can đảm, sự rèn luyện gian nan mới có được thành công.
 
Các thầy cúng dân tộc Dao mặc lễ phục trong Tết nhảy.
Các thầy cúng dân tộc Dao mặc lễ phục trong Tết nhảy.

Phần kết hợp giữa lễ và hội được tổng hợp xen kẽ giữa việc vừa cúng tế vừa đọc thơ, hát và múa mời các vị thần, mời tổ tiên và thực hiện trình diễn các điệu múa Chuông, múa Rùa, múa Kiếm… và kết thúc là đọc bài chiêu binh, chiêu lúa gạo, múa khao quân tổng thần, múa tiễn các loại ôn dịch, rồi chia tiền cho các thần, hóa tiền giấy, ngựa… rồi mời các thần về miếu và kết thúc lễ hội trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng thanh la và tiếng chuông báo hiệu một kỳ lễ hội thành công.
Lễ hội Tết nhảy của người Dao là một phong tục truyền thống độc đáo không thể thiếu trong đời sống tinh thần, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tôn kính tổ tiên, gắn kết cộng đồng để cùng nhau xây dựng làng bản được ấm no, hạnh phúc.
Theo Langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm