Tết cơm mới của người Mường ở Phú Thọ

Tết cơm mới của người Mường ở Phú Thọ

Ngày 3/11 (tức 10/10 âm lịch), huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Tết cơm mới tại Đình Khoang, xã Hương Cần. Đây là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn.

Tết cơm mới của người Mường ở Phú Thọ ảnh 1Các cụ cao tuổi trong cộng đồng dân tộc Mường làm lễ cúng cơm mới. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Tết cơm mới hay còn gọi là lễ mừng cơm gạo mới được tổ chức vào ngày 10/10 âm lịch hằng năm. Theo quan niệm của đồng bào Mường, trước lễ vài ngày, các thanh niên chưa lập gia đình tập trung gặt lúa tại ruộng hương hỏa của nhà Mường, ông Lang (Mường) làm mâm cúng tạ ơn trời đất tại đình. Sau lễ cúng, các hộ mới được gặt lúa tại ruộng nhà mình, xay giã, nấu cơm mới, làm lễ cúng tổ tiên với ý nghĩa mời và cầu mong tổ tiên phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Tết cơm mới có ý nghĩa kết thúc thu hoạch vụ mùa, tạ ơn trời đất tổ tiên, tạ ơn người khai phá, lập làng, xin phép ăn cơm gạo mới.

Tết cơm mới của người Mường ở Phú Thọ ảnh 2Người dân tham gia diễn tấu cồng chiêng trước sân Đình Khoang. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Di tích lịch sử Đình Khoang, nơi diễn ra nghi lễ Tết cơm mới được xây dựng tại xóm Khoang, xã Hương Cần. Đình thờ Đức thánh Tản Viên - Sơn Tinh, nhân vật lịch sử thời vua Hùng Vương dựng nước và thân mẫu của ông là bà Đinh Thị Đen. Đình nằm trong hệ thống các di tích thờ Đức thánh Tản Viên của vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ, thể hiện lòng tôn kính của nhân dân các dân tộc với một trong bốn Thánh bất tử của dân tộc.

Tết cơm mới của người Mường ở Phú Thọ ảnh 3Đánh trống đất - nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mường tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: TTXVN

Ông Kiều Duy Hiển, Chủ tịch UBND xã Hương Cần cho biết, Tết cơm mới không chỉ thể hiện những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Mường nơi đây mà thông qua đó còn tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đồng bào các dân tộc trong xã cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là dịp để tôn vinh văn hóa truyền thống, tiếp tục đẩy mạnh khai thác tiềm năng của văn hóa cội nguồn, phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện Thanh Sơn.

Tết cơm mới của người Mường ở Phú Thọ ảnh 4Các thanh niên ưu tú dân tộc Mường được chọn lựa kỹ để dâng lễ vật tại lễ Tết cơm mới. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Tết cơm mới của người Mường ở Phú Thọ ảnh 5Đâm Đuống - Nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Hàng năm, Tết cơm mới ở Hương Cần vẫn được duy trì và chỉ tổ chức những nghi lễ chính. Năm nay, thực hiện Quyết định số 2072/QĐ-BVHTTDL ngày 31/8/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quyết định số 3130/QĐ-UBND ngày 28/6/2021 của UBND huyện Thanh Sơn về ban hành Đề án tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021-2025, Tết cơm mới của đồng bào Mường được tổ chức với đầy đủ các nghi lễ và các hình thức diễn xướng, trò chơi dân gian trong ngày hội như diễn tấu cồng chiêng, chạm ống, đâm đuống, múa sênh tiền, trống đất, hát Ví, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ...

Tết cơm mới của người Mường ở Phú Thọ ảnh 6Người dân thi kéo co tại Lễ Tết cơm mới. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Tết cơm mới của người Mường ở Phú Thọ ảnh 7Người dân tham gia diễn tấu cồng chiêng trước sân Đình Khoang. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Tết cơm mới của người Mường ở Phú Thọ ảnh 8Người dân tham gia diễn tấu cồng chiêng trước sân Đình Khoang. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Tết cơm mới của người Mường ở Phú Thọ ảnh 9Bà Nguyễn Thị Hải Nhung (thứ 3 từ phải qua), Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng xã Hương Cần bộ nhạc cụ, trang phục, vật tư hỗ trợ công tác bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của Tết cơm mới của dân tộc Mường. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Dịp này, đại diện lãnh đạo Vụ Văn hóa dân tộc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng xã Hương Cần bộ nhạc cụ, trang phục, vật tư hỗ trợ công tác bảo tồn, nhằm phát huy hơn nữa giá trị văn hóa đặc sắc của Tết cơm mới.

Trung Kiên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm