Tết ấm với người trồng mía ở Gia Lai

Tết ấm với người trồng mía ở Gia Lai

Ngày giáp Xuân Quý Mão 2023, người dân trồng mía vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai hối hả thu hoạch. Vụ mía 2022- 2023 thuận lợi, vừa được mùa và được giá đã mang đến cho người trồng mía một cái tết ấm.

Cùng chung niềm vui “được mùa được giá” với hàng ngàn hộ trồng mía, gia đình ông Ngô Viết Dũng (xã Thành An, Thị xã An Khê) đang hối hả đốn mía cho kịp lịch thu mua của nhà máy Đường An Khê. Năm nay, niềm vui của gia đình ông không chỉ dừng lại ở việc có lịch thu hoạch mía sớm, kịp đón tết, giá thu mua mía nguyên liệu tăng cao, năng suất đạt đã mang đến cho ông niềm vui kép.

Theo ông Dũng, vụ mía năm nay Nhà máy Đường An Khê thu mua mía nguyên liệu với giá 1,05 triệu đồng/tấn 10 chữ đường, và hỗ trợ cước vận chuyển bình quân 160 nghìn đồng/tấn. So với vụ ép 2021-2022, giá thu mua mía cao hơn 100 ngàn đồng/tấn, hỗ trợ cước vận chuyển cao hơn 20 nghìn đồng/tấn.

“Năm nay, giá mía tăng cao hơn năm trước nên đã “gánh” được chi phí tăng của phân bón, thuốc bảo vệ… Cùng với năng suất, sản lượng tăng nên bà con phấn khởi lắm”- ông Dũng vui mừng.

Huyện K’bang những năm gần đây cũng đang dần hình thành nên các vùng chuyên canh cây mía, xác định cây mía là một trong số các cây trồng chủ lực của huyện. Vì thế, với diện tích hơn 10.000 ha, khi giá mía ổn định, chính quyền huyện cũng như người dân đã an tâm đầu tư sản xuất, mở rộng diện tích. Nhiều hộ dân như hộ ông Nguyễn Văn Quy, xã Koong Bờ La, huyện Kbang đã mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế dựa trên 20 ha mía hiện có.

“Với giá mía như hiện nay, nếu được duy trì ổn định thì người trồng mía như chúng tôi rất an tâm. Ở vùng này, ngoài cây mía ra thì không có loại cây nào mang lại giá trị kinh tế hơn. Vì vậy, giá cả ổn định sẽ đảm bảo cho người trồng mía mạnh dạn đầu tư, phát triển cùng cây mía”- ông Quy cho biết.

Vụ ép mía ở các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Gia Lai rơi vào dịp cuối năm, hàng nghìn hộ dân sống nhờ vào cây mía chỉ mong cây mía được mùa, được giá để có tiền sắm tết. Vì thế, “vụ mía ngọt” năm nay đã mang đến cho người trồng mía một cái tết ấm.

So với vụ thu hoạch 2021- 2022 vừa qua, ở mức năng suất 70 tấn/ha và giá mía trên dưới 1 triệu đồng/tấn, người trồng mía có lãi khoảng 15-25 triệu đồng/ha tùy theo mía tơ hay mía gốc, đất nhà hay đất thuê. Còn ở niên vụ năm 2022- 2023 này, với việc năng suất mía tăng cao hơn, cộng thêm giá thu mua mía tăng tương ứng theo mức tăng giá đường từ 2 - 5%, thì người trồng mía có thể tự tin đạt mức lợi nhuận 20-30 triệu đồng/ha. Với lợi nhuận đó, người trồng mía không chỉ an tâm hơn và gắn bó cùng nhà máy để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Cùng với đó, người trồng mía cũng đã có được cái tết đủ đầy hơn.

Theo ông Lê Văn Dương- Phó Giám đốc phụ trách đầu tư nguyên liệu mía Nhà máy đường An Khê cho biết: Giá mía nguyên liệu năm nay cao hơn năm trước là do thị trường mía đường ổn định. Cùng với các chính sách của Nhà nước về chống phá giá trong ngành mía đường. Vì thế, giá mía năm nay được nhà máy đường An Khê triển khai thu mua cao hơn. Bên cạnh hỗ trợ giá mía, cước vận chuyển tùy từng vùng mía… năm nay giá mía bình quân 1.270.000 đồng/tấn. Với giá mía như hiện nay thì người trồng mía đã có thu nhập bình quân 30 triệu đồng/ha”.

Những hộ dân như gia đình ông Ngô Viết Dũng (xã Thành An, Thị xã An Khê) nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào cây mía, giá mía cao vào thời điểm cuối năm đã mang đến một cái tết ấm. “Năm nay tôi cũng như hàng ngàn hộ trồng mía trong vùng rất phấn khởi. Tết năm nay phấn khởi hơn rồi”- ông Dũng vui mừng.

Không những chủ ruộng mía có được tết ấm nhờ giá- năng suất mía tăng, các “phu mía” cũng có được niềm vui khi thu nhập từ công việc đốn mía, khuôn vác mía nguyên liệu cao hơn mọi năm. Lặn lội từ Bình Định lên An Khê đốn mía thuê, chị Nguyễn Thị Hoa phấn khởi khi giá thuê nhân công đốn mía, khuôn vác ở mức 240-250 nghìn/tấn. Với giá nhân công này, gia định chị Hoa cũng đã có chút tiền để về quê sắm tết.

“Năm nay giá nhân công tăng hơn năm trước từ 15-20 nghìn, nên tôi cố gắng nhận khoán để có thêm tiền về quê sắm tết. Dù vất vả nhưng giá nhân công tăng cao hơn trước cũng đã mang đến nhiều niềm vui cho phu mía như chúng tôi”- chị Hoa chia sẻ.

Giai đoạn cao điểm, tỉnh Gia Lai có khoảng 40 nghìn ha trồng mía phục vụ cho 2 nhà máy chế biến mía đường tại địa phương. Sau nhiều năm giá đường giảm, diện tích trồng mía cũng bị giảm theo. Hiện địa phương này có vùng mía gần 35 nghìn ha và là vùng chuyên canh mía lớn nhất cả nước. Với giá mía tăng cao cùng với chính sách thu mua hợp lý như hiện nay đã đem lại cho người trồng mía một vụ mía ngọt.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm