Tây Ninh xây dựng thương hiệu cho trái mãng cầu hướng đến xuất khẩu

Tây Ninh xây dựng thương hiệu cho trái mãng cầu hướng đến xuất khẩu
Đóng gói sản phẩm mãng cầu xuất khẩu tại Công ty Natani Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Đóng gói sản phẩm mãng cầu xuất khẩu tại Công ty Natani Tây Ninh.
Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Hiện sản phẩm mãng cầu Bà Đen - Tây Ninh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý mãng cầu Bà Ðen, giúp trái mãng cầu ở đây khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng cơ sở pháp lý giúp nông dân và doanh nghiệp trồng mãng cầu yên tâm hơn trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các xã được trồng phổ biến cây mãng cầu xung quanh núi Bà Đen gồm: Thạnh Tân, Tân Bình, phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh (thành phố Tây Ninh); xã Tân Hưng (huyện Tân Châu); xã Suối Đá, Phan, Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu), với tổng diện tích khoảng 5.000 ha, sản lượng trên 50.000 tấn trái/năm. Thăm vườn mãng cầu của ông Huỳnh Biển Chiêu ở xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh ngay khu vực chân núi Bà Đen, ông Chiêu được xem là “vua mãng cầu” tại xứ này với gần 20 ha mãng cầu đạt chuẩn VietGAP đầu tiên của tỉnh. Mỗi năm, vườn mãng cầu của ông Chiêu xuất ra thị trường gần 400 tấn mãng cầu, giá trung bình từ 45.000 - 75.000 đồng/kg.
Vùng sản xuất mãng cầu xung quanh chân núi Bà Đen Tây Ninh theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
 Vùng sản xuất mãng cầu xung quanh chân núi Bà Đen Tây Ninh theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Ngoài thị trường truyền thống hiện nay là các siêu thị ở Tây Ninh, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, mỗi tháng ông Chiêu còn cung cấp khoảng 3 tấn sản phẩm cho các doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh xuất khẩu đi các nước như: Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Canada, Trung Quốc… Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Natani (ấp Tân Hòa, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh) cho biết, đến thời điểm hiện tại công ty đã có diện tích vườn cây mãng cầu hơn 100 ha tập trung tại địa bàn các xã Thạnh Tân, Tân Bình; phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh (thành phố Tây Ninh); xã Tân Hưng (huyện Tân Châu); Suối Đá, Phan, Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu. Theo ông Tân, sản phẩm trái mãng cầu Bà Đen của Natani được canh tác theo quy trình hữu cơ vi sinh hướng đến organic trên nền tảng tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, các loại hóa chất thuốc trừ sâu, thay vào đó là phân hữu cơ vi sinh và các loại chế phẩm sinh học để làm tăng sức đề kháng và bổ sung khoáng chất dinh dưỡng cho cây, cải tạo đất...
Vùng sản xuất mãng cầu xung quanh chân núi Bà Đen Tây Ninh theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Vùng sản xuất mãng cầu xung quanh chân núi Bà Đen Tây Ninh theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Hiện nay, sản phẩm của Mãng cầu Bà Đen của Natani đã xuất khẩu ra các thị trường khó tính như: Mỹ, Nga, Dubai với sản lượng khoảng 15-20 tấn/tháng… Tại thị trường trong nước, sản phẩm cũng đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn như: Siêu thị AEON, hệ thống siêu thị Vincom, E-mart, BigC, Co.op Mart, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, Sói Biển, BigGreen… với sản lượng tiêu thụ  gần 100 tấn/tháng. Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, mãng cầu là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây khác. Nếu được đầu tư, canh tác bài bản, 1 ha mãng cầu có thể mang lại cho người nông dân lợi nhuận khoảng 200-300 triệu đồng/năm.
Vùng sản xuất mãng cầu xung quanh chân núi Bà Đen Tây Ninh theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Vùng sản xuất mãng cầu xung quanh chân núi Bà Đen Tây Ninh theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Tuy nhiên, cây mãng cầu là loại cây rất dễ bị các loại sâu bệnh tấn công như: rệp sáp, ruồi vàng đục trái… Các loại côn trùng này làm cho trái mãng cầu mất hết dinh dưỡng, khô, đen dần hoặc bị thối phải loại bỏ, làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng... Trước đây, phần lớn nông dân thường sử dụng thuốc trừ sâu nhiều chủng loại với nồng độ cao để diệt trừ sâu bệnh, dẫn đến sâu bệnh bị kháng thuốc, môi trường ô nhiễm, chất lượng trái có nguy cơ không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Những năm gần đây, do nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong, ngoài nước; trong đó sản phẩm phải “sạch” bảo đảm cho sức khỏe người tiêu dùng, ngành nông nghiệp Tây Ninh giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn nông dân và doanh nghiệp trồng mãng cầu thực hiện canh tác theo quy trình VietGAP. Qua đó cấp giấy chứng nhận để người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm. Cùng với đó là sản phẩm với thương hiệu “mãng cầu Bà Đen” của nông dân Tây Ninh giá trị được nâng cao, tiếp cận được với thị trường rộng rãi trong nước và trên thế giới, ông Trong cho biết thêm.
Lê Đức Hoảnh

Có thể bạn quan tâm