Tây Ninh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến

 Tây Ninh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến
Mô hình trồng nhãn Idor ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh-TTXVN
Mô hình trồng nhãn Idor ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh-TTXVN
Xác định lợi thế để phát triển Những năm gần đây, Tây Ninh xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là chủ yếu; trong đó lựa chọn những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với các cơ sở thu mua, chế biến, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Nhờ đó, tạo điều kiện cho người dân từng bước làm giàu từ các sản phẩm nông nghiệp ngay trên mảnh đất của mình. Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho biết, tiến trình hội nhập, mở cửa thị trường nông sản như hiện nay vừa là cơ hội, cũng vừa đan xen thách thức đối ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp tỉnh tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi; bảo đảm vệ sinh an toàn sản phẩm bằng phương thức thay đổi tập quán sản xuất truyền thống; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. Có như vậy, sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh với thị trường. Tỉnh đã xây dựng đề án chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp để nghiên cứu, đánh giá lại sản xuất; trong đó, xác định loại cây trồng có lợi thế để duy trì, mở rộng diện tích và có giải pháp khuyến khích. Những cây trồng không lợi thế, kém hiệu quả thì thu hẹp dần. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tây Ninh theo hướng tập trung, chuyên canh gắn với cơ chế thị trường và ngành công nghiệp chế biến đã đạt được hiệu quả tích cực. Theo đó, giai đoạn năm 2016 - 2018, diện tích trồng lúa của Tây Ninh đã giảm trung bình 0,3%/năm, cao su giảm 0,9%, khoai mì (sắn) giảm 10,4%. Riêng cây mía, năm 2018 đã giảm 6% so với năm 2017. Cùng đó, diện tích các loại cây trồng khác đang tăng mạnh với tốc độ bình quân 10%/năm, đặc biệt là cây ăn trái. Hiện diện tích vườn cây ăn trái của tỉnh trên 20.200 ha, nhiều nhất là các loại cây đem lại lợi nhuận cao gấp 3,4 lần so với cây truyền thống như: nhãn, sầu riêng, bưởi, chuối, xoài, mãng cầu (na)... Cây ăn quả được trồng theo mô hình sản xuất công nghệ cao, mang lại giá trị cao như trồng mãng cầu không sử dụng thuốc trừ sâu (bao trái bằng bọc ni lon) với diện tích gần 300 ha quanh khu vực chân núi Bà Đen của Công ty cổ phần Natani tại xã Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh) cùng nhiều hộ dân tại các xã Tân Hưng (huyện Tân Châu), xã Phan (huyện Dương Minh Châu)... Mô hình này được cơ quan chức năng theo dõi, hướng dẫn sản xuất trên nền tảng quy trình VietGap và được cấp giấy chứng nhận (VietGap) kết hợp với giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho trái mãng cầu Bà Đen. Nhờ đó, doanh nghiệp và nông dân hòa nhập với thị trường, nâng cao giá trị, tạo thương hiệu, uy tín cho sản phẩm. Thu nhập của người dân thêm khoảng 200 triệu đồng/ha/năm so với hình thức sản xuất truyền thống. Các mô hình khác như: sản xuất bưởi da xanh (khoảng trên 800 ha, diện tích đang thu hoạch 400 ha) của các hộ nông dân thuộc các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu cũng đã đem lại lợi nhuận cao gấp 3,4 lần so với diện tích trồng cao su, lúa...; mô hình sản xuất chuối già xuất khẩu (diện tích khoảng 380 ha) tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng cho thu nhập khoảng 100-400 triệu đồng/ha/năm...Thu hút công nghiệp chế biến Để nguồn sản phẩm trái cây, rau, củ quả được tiêu thụ ổn định, tỉnh vừa ký kết với Công ty cổ phần Nafoods Group xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu toàn bộ sản phẩm trái cây cho nông dân. Dự án sẽ được triển khai vào đầu năm 2019 với diện tích đầu tư, bao tiêu sản phẩm khoảng 10.000 ha. Cùng đó, nhà máy chế biến trái cây Tanifood tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu (Tây Ninh) có công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày (gồm xoài, khóm, chuối, thanh long, mãng cầu...) cũng sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh đã đàm phán với Công ty TNHH Xuất khẩu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bình Dương (BD HAPIMEX) để triển khai ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm với nông dân trồng thêm 500 ha chuối Cavendish đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh Võ Đức Trong, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh với mục tiêu tái cơ cấu lại ngành sản xuất, tỉnh đã thu hút gần 30 dự án đầu tư vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... với tổng số vốn đăng ký đạt gần 2.000 tỷ đồng, nâng tổng số dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp toàn tỉnh lên 57 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh được nâng lên, đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Năm 2019, Tây Ninh sẽ triển khai quy hoạch 18 vùng sản xuất với diện tích khoảng 17.000 ha tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng, Châu Thành, Gò Dầu, Dương Minh Châu... để phát triển rau quả, cây ăn trái, chăn nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao nhằm cung cấp sản phẩm lâu dài theo đơn đặt hàng của các công ty chế biến trái cây như Tanifood, Nafoods, BD HAPIMEX… Qua đó, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất lâu dài giữa người nông dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp còn triển khai thi công, mở rộng các dự án thủy lợi, đưa nguồn nước hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa vượt sông Vàm Cỏ Đông về tưới tiêu, mở rộng diện tích, thâm canh cây trồng cho 2 huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu; đồng thời, tập trung triển khai các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của Trung ương và địa phương như: cho vay vốn ưu đãi theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ chăn nuôi nông hộ (giống cây trồng, bò sữa, bò thịt), hỗ trợ thủy lợi phí, nước sinh hoạt nông thôn... nhằm huy động hiệu quả nguồn lực về lao động, vốn đầu tư để phát triển cho nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 800 ha và đến năm 2030 đạt 1.800 ha vườn cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP. Riêng rau, củ, quả chuyên canh đạt khoảng 1.000 - 1.500 ha vào năm 2020 và 4.000 ha vào năm 2030... Bình quân giá trị sản phẩm thu hoạch trên diện tích đất trồng trọt đạt 100 triệu đồng/ha đến năm 2020 và 264 triệu đồng/ha vào năm 2030.
Lê Đức Hoảnh

Có thể bạn quan tâm