Tây Ninh người dân phản ánh nước sông Vàm Cỏ Đông có màu đen bất thường, kèm mùi hôi lạ

Trong những ngày qua, hàng chục hộ dân sống ven sông Vàm Cỏ Đông đoạn đi qua địa phận xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh liên tục phản ánh tình trạng nước sông đột ngột chuyển sang màu đen, kèm theo mùi hôi lạ rất khó chịu, lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nơi đây.

Tay Ninh nguoi dan phan anh nuoc song Vam Co Dong co mau den bat thuong, kem mui hoi la hinh anh 1UBND xã Trường Đông đã cấm biển cấm đổ rác thải nhằm hạn chế nước sông Vàm Cỏ Đông ô nhiễm nặng hơn. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Cụ thể, ông Lương Văn Thiện (sinh năm 1953, ngụ ấp Trường Ân, xã Trường Đông) cho biết, từ hôm trước kỳ nghỉ lễ 30/4, nước sông đổi thành màu đen, trên mặt sông có nhiều váng dầu, kèm theo mùi hôi nồng rất khó chịu. Đặc biệt, mùi hôi càng nặng vào ban đêm; khi ngửi lâu có cảm giác muốn nôn ói.

Cũng theo ông Thiện, người dân ở đây chủ yếu sử dụng nguồn nước sinh hoạt là từ giếng khoan, nên rất lo ngại về tình hình ô nhiễm này; kiến nghị ngành chức năng vào cuộc xử lý.

Ông Huỳnh Văn Bẩn (sinh năm 1950, ngụ ấp Trường Ân, xã Trường Đông) cũng phản ánh về tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông đang bị ô nhiễm nặng, nước đen kịt, kèm theo mùi hôi gây ra cảm giác ho, gắt cổ, đau đầu, nhất là vào ban đêm. Bản thân ông và gia đình, cùng người dân nơi đây rất lo lắng về tình trạng này, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Tay Ninh nguoi dan phan anh nuoc song Vam Co Dong co mau den bat thuong, kem mui hoi la hinh anh 2Nước sông Vàm Cỏ Đông ô nhiễm nặng. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Ông Ngô Tùng Minh, Trưởng ấp Trường Ân, xã Trường Đông cho biết, khoảng 2 - 3 ngày trước, người dân sống ven sông Vàm Cỏ Đông gọi điện phản ánh liên tục đến ông (có trên 30 cuộc phản ánh) về tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông ô nhiễm nghiêm trọng, nước màu đen kèm theo mùi hôi khó chịu, người dân lo ngại sẽ xảy ra dịch bệnh tràn lan.

“Theo tôi nghĩ sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm như thế này là do các doanh nghiệp cố tình xả thải (kể cả ở địa phương và các địa phương khác ở thượng nguồn) gây ra; hiện tại dưới sông không còn thấy cá ăn móng, bơi lội cho thấy mức độ ô nhiễm là nghiêm trọng. Tôi đã kiến nghị cấp trên sớm vào cuộc xử lý”, ông Ngô Tùng Minh nhấn mạnh.

Tay Ninh nguoi dan phan anh nuoc song Vam Co Dong co mau den bat thuong, kem mui hoi la hinh anh 3Ông Ngô Tùng Minh, Trưởng ấp Trường Ân, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh (bìa trái) cùng người dân ghi nhận mức độ ô nhiễm trên sông Vàm Cỏ Đông. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Trao đổi về phản ánh của người dân, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh cho biết, sau khi khảo sát thực tế vào những ngày nghỉ lễ theo phản ánh người dân, lãnh đạo xã Trường Đông đã có kiến nghị với các ngành chức năng vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân và truy tìm nguồn thải gây ô nhiễm để xử lý theo quy định.

Thanh Tân

Tin liên quan

Người dân mong muốn xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối Cái

Những ngày qua, dọc hai bên bờ suối Cái (tỉnh Hòa Bình) có hiện tượng cá tự nhiên từ bé đến lớn, đủ chủng loại bị chết trắng hàng loạt; cá trong các ao nuôi của người dân ven khu vực suối cũng có hiện tượng như vậy. Người dân xã ở các xã dọc suối Cái đang lo lắng về chất lượng môi trường nước bị ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, nuôi trồng, đời sống sinh hoạt.


Ô nhiễm tiếp diễn trên các điểm nóng về môi trường

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thực hiện quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường quốc gia đợt 1/2020 đối với môi trường nước, quan trắc mang tính liên vùng, liên tỉnh, tại các điểm nóng, đặc thù và nhạy cảm về môi trường trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.


Báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước thải do sơ chế cà phê ở Sơn La

Đã nhiều năm trở lại đây, cứ vào vụ thu hoạch cà phê, người dân nhiều địa phương của tỉnh Sơn La lại phải chị cảnh sống chung với tình trạng nước xả thải sơ chế cà phê. Đỉnh điểm là những ngày đầu tháng 11 vừa qua, hơn 12 nghìn hộ dân thành phố Sơn La mất nước sinh hoạt trong 10 ngày mà nguyên nhân chính từ việc xả nước thải trong quá trình sơ chế cà phê. Đáng báo động, câu chuyện này vẫn chưa dừng lại mà tiếp tục tái diễn ở khu vực khác.



Đề xuất