Tây Ninh hỗ trợ cho hợp tác xã sản xuất kinh doanh hiệu quả

Tây Ninh hỗ trợ cho hợp tác xã sản xuất kinh doanh hiệu quả
Phun thuốc, phòng trừ bệnh khảm lá sắn tại xã Tân Hội (Tân Châu, Tây Ninh). Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
 Phun thuốc, phòng trừ bệnh khảm lá sắn tại xã Tân Hội (Tân Châu, Tây Ninh). Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Theo ông Nguyễn Minh Tân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh, sau 15 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh có sự phát triển về số lượng và chất lượng; đa dạng nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đặc biệt, lĩnh vực này đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội , xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức đào tạo, tập huấn về điều hành quản lý các loại hình kinh tế tập thể cũng như tạo điều kiện để các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận được quỹ đất công để đầu tư, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả.

Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ cho 9 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác được vay vốn sản xuất với số tiền gần 11,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của tỉnh...; đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi), hỗ trợ 100% kinh phí cho các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp làm giấy chứng nhận VietGAP, tạo điều kiện thuận lợi đưa sản phẩm ra thị trường.

Tính đến 31/12/2018, toàn tỉnh có 115 hợp tác xã, 5 chi nhánh liên hiệp hợp tác xã với tổng vốn điều lệ là 222,7 tỷ đồng. Số thành viên tham gia trong các hợp tác xã là 31.563 người, số lao động làm việc trong các hợp tác xã đạt gần 7.000 người. Tổng tài sản của các hợp tác xã ước đạt 7.159 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, trong tổng số các hợp tác xã đang hoạt động, lĩnh vực nông nghiệp có 71 hợp tác xã, công thương nghiệp 16 hợp tác xã và 5 chi nhánh liên hiệp hợp tác xã, lĩnh vực giao thông vận tải 10 hợp tác xã, 18 quỹ tín dụng nhân dân.

Đáng lưu ý, trong số 107 hợp tác xã được phân loại (8/115 hợp tác xã mới thành lập, chưa phân loại), có 32 hợp tác xã được xếp loại tốt (chiếm 29,9%), 23 hợp tác xã được xếp loại khá (chiếm 21,5%), 42 hợp tác xã xếp loại trung bình (chiếm 39,2%) và 10 hợp tác xã xếp loại yếu (chiếm 9,4%).

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác đã được các đại biểu tại hội nghị đưa ra là việc triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW về phát triển kinh tế tập thể ở các cấp, các ngành trong tỉnh chưa được sâu rộng. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền còn buông lỏng việc chỉ đạo phát triển mô hình này. Bởi vậy, hầu hết các hợp tác xã, tổ hợp tác còn khó tiếp cận với nguồn vốn vay, đất đai của nhà nước để mở rộng, phát triển sản xuất.
Lê Đức Hoảnh

Có thể bạn quan tâm