Tây Ninh chọn núi Bà Đen làm tâm điểm để phát triển du lịch

Vào những ngày đầu, hàng ngàn lượt du khách khắp nơi đổ về Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (Tây Ninh) để cầu tài, cầu lộc đầu năm. Ảnh: Phương Vy-TTXVN.
Vào những ngày đầu, hàng ngàn lượt du khách khắp nơi đổ về Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (Tây Ninh) để cầu tài, cầu lộc đầu năm. Ảnh: Phương Vy-TTXVN.

Năm 2020, Tây Ninh được kỳ vọng sẽ bùng nổ phát triển về du lịch, khi Tập đoàn Sun Group đưa vào hoạt động hệ thống nhà ga, cáp treo hiện đại, được Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness công nhận là Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 2.000 tỷ đồng. Lượng du khách dự kiến cũng sẽ tăng mạnh từ 5.000 - 30.000 người/ngày.

Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng khách du lịch đã giảm dần từ 20% đến 70%. Điều này đã trở thành thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của ngành Du lịch cả nước, trong đó có Tây Ninh .

Trước những khó khăn, thách thức của dịch COVID-19, Tây Ninh đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, khi đưa ra nhiều chính sách kích cầu du lịch phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, thúc đẩy ngành Du lịch phục hồi sau đại dịch.

Tây Ninh chọn núi Bà Đen làm tâm điểm để phát triển du lịch ảnh 1Đông đảo khách du lịch đến tham quan, hành hương tại khu du lịch núi Bà Đen. Ảnh: Phạm Thanh Tân - TTXVN

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mặt trời Tây Ninh (thuộc Tập đoàn Sun Group) Trịnh Văn Hà cho biết, Công ty vẫn yêu cầu khách tham quan phải đeo khẩu trang y tế khi tham quan, hành hương tại Khu Du lịch núi Bà Đen. Tại mỗi trạm dừng, Công ty bố trí nước sát khuẩn để du khách thường xuyên rửa tay, phòng, chống dịch.
Doanh nghiệp còn đưa ra nhiều chính sách kích cầu du lịch, với mức giảm từ 10-25% giá vé cáp treo cho du khách lên đỉnh núi Bà Đen và Chùa Bà.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mặt trời Tây Ninh cho biết thêm, Tây Ninh từ lâu được biết đến là địa điểm giàu tiềm năng về phát triển du lịch ở Đông Nam Bộ, đặc biệt là về du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, tỉnh còn được thiên nhiên ưu đãi, có núi, sông hồ và chuỗi văn hóa lễ hội truyền thống.

Hiện tại, Tây Ninh vẫn đang thiếu hụt các sản phẩm dịch vụ du lịch, giải trí chất lượng, đẳng cấp, đủ để níu kéo du khách chi tiêu nhiều hơn. Cụ thể, tổng nguồn thu về du lịch từ năm 2017 đến 2019 của tỉnh chỉ ở mức 2.500 tỷ đồng, chủ yếu từ dịch vụ ăn uống và vận tải. Nguồn thu từ lưu trú và vui chơi giải trí có tỷ lệ rất thấp so với tổng nguồn thu về du lịch tại Tây Ninh.

“Trước mắt, Tây Ninh đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào du lịch, chủ động mời gọi những nhà đầu tư hàng đầu, bằng những chính sách thông thoáng, cởi mở, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp an tâm đầu tư vào các hạng mục du lịch còn yếu ở địa phương. Sự tham gia tích cực của những "con sếu đầu đàn" chắc chắn sẽ mang lại nhiều khởi sắc cho ngành Du lịch Tây Ninh”, ông Trịnh Văn Hà nhấn mạnh thêm.

Tây Ninh chọn núi Bà Đen làm tâm điểm để phát triển du lịch ảnh 2Vào những ngày đầu, hàng ngàn lượt du khách khắp nơi đổ về Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (Tây Ninh) để cầu tài, cầu lộc đầu năm. Ảnh: Phương Vy-TTXVN.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, Tây Ninh xác định ngành du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong đột phá và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ngành Du lịch phải trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Tỉnh nỗ lực nâng mức doanh thu tổng thể về du lịch ước tính giai đoạn 2021-2025 lên 25.400 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần giai đoạn 2016-2020. Tỉnh đang ưu tiên phát triển đa dạng về du lịch; lấy trọng điểm phát triển là khu du lịch núi Bà Đen. Quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển Khu Du lịch núi Bà Đen trở thành tâm điểm phát triển du lịch không chỉ của Tây Ninh mà còn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Tỉnh chú trọng phát triển và kết nối đồng bộ các sản phẩm du lịch ở khu du lịch núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát trở thành điểm đến hấp dẫn, mang đậm nét đặc trưng riêng của du lịch địa phương. Ngoài ra, tỉnh thúc đẩy nhanh dự án Du lịch sinh thái Đảo Nhím - hồ Dầu Tiếng; từng bước hình thành chuỗi du lịch về đêm; nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái dọc sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn. Tỉnh xây dựng, phát triển thành phố Tây Ninh thành đô thị du lịch xanh; là trung tâm vui chơi, giải trí, mua sắm cho khách du lịch với các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, các trung tâm mua sắm, ẩm thực tập trung, quy mô lớn, chất lượng.

Tây Ninh tiếp tục triển khai các chương trình quảng bá, giới thiệu du lịch chuyên nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch chung của tỉnh và riêng cho doanh nghiệp. Tỉnh hỗ trợ, tạo điều cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và dịch vụ du lịch.

Phạm Thanh Tân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm