Tập trung khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở do bão số 4

Bộ Giao thông Vận tải vừa ra công điện gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum về tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 (bão Noru) và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.

Tap trung khac phuc cac tuyen giao thong bi sat lo do bao so 4 hinh anh 1Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Ra Mai, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình hỗ trợ cùng nhân dân trên địa bàn khắc phục sạt lở đất đá, khơi thông các tuyến đường trọng yếu. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung khắc phục ngay hậu quả của bão số 4 và chủ động triển khai các nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai.

Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ địa phương bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt, lở, nhất là trên các trục giao thông chính.

Theo thống kê thiệt hại do bão số 4 gây ra về giao thông có 37 vị trí sạt lở tại các tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 49B, một số tuyến đường giao thông địa phương và 4 cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 875/CĐ-TTg ngày 30/9/2022 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.

Công điện nêu rõ: Bão số 4 là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, từ sớm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành, đặc biệt là của cấp ủy, chính quyền các địa phương và sự đồng lòng, chủ động ứng phó của nhân dân đã góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Tuy nhiên, hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa lũ lớn, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất tại một số địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Trong đó, tại tỉnh Nghệ An mưa lũ đã làm một số người chết và mất tích, trên 8.000 ngôi nhà bị ngập, trên 10.000 ha lúa và hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, một số công trình đê điều, hồ đập thủy lợi đã xảy ra sự cố, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, sạt lở.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng bất thường, cực đoan, khó dự báo, để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai với phương châm chủ động phòng ngừa, kịp thời, quyết liệt ứng phó, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đó là chỉ đạo, hỗ trợ địa phương trong bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là trên các trục giao thông chính.

Ngoài ra, trong công điện Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương, địa phương tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, hướng dẫn người dân các kỹ năng ứng phó, hạn chế rủi ro khi xảy ra thiên tai, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến và công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai.

Quang Toàn

Tin liên quan

Thừa Thiên - Huế: Kiến nghị hỗ trợ di dời dân khỏi khu vực nguy cơ cao sạt lở đất

Ngày 29/9, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có đề xuất, kiến nghị khắc phục hậu quả bão số 4 và đợt lũ đặc biệt lớn tháng 4, 5/2022 vừa qua. Theo đó, tỉnh đề nghị Tổng cục Phòng, chống thiên tai quan tâm hỗ trợ nguồn vốn thực hiện hai dự án di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.


Bão số 4: Nghệ An hỗ trợ người dân khắc phục mưa lũ

Trước diễn biến phức tạp của hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn và ngập lụt tại nhiều địa phương trong tỉnh, ngày 29/9, tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, đã chỉ đạo Chủ tịch UBND một số địa phương có ngập lụt cục bộ tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ. Nếu thấy tình hình ở địa phương có vấn đề liên quan đến mưa lụt, Chủ tịch huyện có thể dừng cuộc họp để tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả.


Ứng phó với bão số 4: Phòng ngừa từ sớm, từ xa để đảm bảo an toàn cho nhân dân

Sau khi đổ bộ vào đất liền, rạng sáng 28/9, bão số 4 đã suy giảm dần và không gây thiệt hại quá lớn về người, tài sản trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây nguyên. Một phần vì bão đã giảm cấp độ khi cập bờ, một phần nhờ sự chủ động của các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trong việc ứng phó, ngăn ngừa, giảm thiểu tác động thiên tai.


Kon Tum khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 4

Đến tối 28/9, thời tiết trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có nhiều chuyển biến tích cực, chỉ có mưa ở một vài nơi. Các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục thiệt hại do bão số 4 gây ra để sớm ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân.


Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Công tác ứng phó với bão số 4 đã thành công

Sáng 28/9, báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: Công tác chuẩn bị, ứng phó với bão đã được lực lượng chức năng thành phố thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Nhờ đó, trên địa bàn không có thiệt hại về người và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.



Đề xuất