Nhà cửa truyền thống của người Chứt (nhóm Mã Liềng) là những ngôi nhà sàn tạm bợ, lợp bằng lá cây rừng, hay là những ngôi nhà sàn nhỏ đơn giản làm bằng những thứ gỗ, tre tranh rất sẵn có trong rừng. Mặc dù thế nhưng những nghi lễ xung quanh việc dựng nhà cũng hết sức phức tạp.
Để dựng một ngôi nhà sàn, chủ nhà chuẩn bị các vật liệu tương đối đầy đủ, đem đến chỗ mảnh đất đã chọn. Sau đó chủ nhà tự chọn lấy một ngày tháng tốt (thường là ngày và tháng chẵn trong năm về mùa khô). Sau khi định được ngày tốt, chủ nhà làm lễ cúng thổ địa, thần linh rồi sau đó tự mình dựng lấy cột Côlôốc (cột ma) lên trước, sau đó mời nhờ dân bản đến giúp đỡ dựng lợp nhà. Riêng cột ma chỉ có chủ nhà mới được ngồi lên lợp.
Công cụ để làm nhà là những con dao, cái rìu, cái rựa. Kỹ thuật làm nhà cũng rất dơn giản, chủ yếu là gá lắp buộc dây qua các ngàm đỡ bị mục mọt và đứt. Đây là những ngôi nhà nhỏ, có hai mái thấp không có đầu hồi, các vì kèo được buộc bằng các sợi dây rừng rất đơn giản.
![]() |
Bộ khung nhà bao gồm 2 xà và 4 vì kèo được buộc vào nhau bằng các sợi dây rừng. Sàn nhà được lát bằng tre nứa đập dập, khoảng cách giữa sàn nhà và mặt đất chừng 0,8m. Bố trí nội thất trong nhà của người Chứt (nhóm Mã Liềng) cũng rất đơn giản.
Nhà không có vách ngăn và phân chia thành các buồng riêng biệt. Chính giữa nhà là nơi đặt bếp, đây là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của gia đình từ ăn uống, vui chơi cho đến ngủ nghỉ tiếp khách...Phía trong nhà là nơi ngủ nghỉ của chủ nhà và các con cái. Phía ngoài nhà là 2 cầu thang và 2 cửa số. Phía hai đầu nhà là nơi để dụng cụ sản xuất và dụng cụ sinh hoạt...
Những nghi lễ, tín ngưỡng liên quan đến ngôi nhà
Khi làm nhà xong, chủ nhà lại tự mình nhóm và nhen lửa bắc bếp. Bếp lửa phải được cháy liên tục trong vòng 3 ngày đêm. Sau đó chủ nhà tổ chức lễ cúng để báo cho tổ tiên ông bà và các thần linh biết và cầu xin sự phù hộ độ trì cho gia đình được may mắn trong cuộc sống và quanh năm bếp lửa vẫn cháy. Đây là một ước muốn hết sức chính đáng của đồng bào khi cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, không phải lúc nào cũng có lửa cháy trên bếp.
Trong ngôi nhà sàn hay nhà đất, cột thờ ma (cột Cô lôốc) là chiếc cột giữa hàng sau nơi các ma ông bà tổ tiên của gia đình trú ngụ, là nơi linh thiêng của mỗi gia đình cho nên chiếc cột này không phải ai cũng có quyền đụng vào, đó là nơi người con dâu và con rể cần phải kiêng kỵ nhất. Đối với con dâu khi về nhà chồng không được đụng vào cột thờ ma. Nhưng các con của con dâu thì không bị kiêng kỵ. Phụ nữ Chứt (nhóm Mã Liềng) trong thời gian hành kinh không được tự do đi lại trong nhà của mình, mà phải ăn uống một chỗ trong nhà. Đối với người con rể khi đến ở nhà bố mẹ vợ, chiếc cột ma anh ta cũng không được đụng vào.
![]() |
Hiện nay nhà cửa của người Chứt (nhóm Mã Liềng) chủ yếu do Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, đối với những gia đình chưa nhận được sự hỗ trợ đó, họ phải làm nhà. Dù ngôi nhà đơn giản người Chứt (nhóm Mã Liềng) cũng tiến hành đầy đủ các nghi lễ.
Như vậy, qua việc tìm hiểu nghi lễ, tín ngưỡng của người Chứt (nhóm Mã Liềng) có thể thấy thấy tín ngưỡng đó thuộc nhiều loại pha trộn, chồng chéo với nhau. Nhưng từ những hình thức phức tạp đó, chúng ta vẫn thấy dấu ấn của một trình độ tư duy, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tộc người.
Ngày nay, cùng với công việc xây dựng cuộc sống mới những tín ngưỡng, tôn giáo chỉ còn lại trong kỷ ức của người già như một tàng tích của thời qúa khứ. Tuy nhiên, do đời sống kinh tế của đồng bào quá nghèo nàn, lạc hậu nhận thức còn thấp kém, thì các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng vẩn còn cơ sở để tồn tại.
Theo langvietonline.vn