Tạo thương hiệu cho sản phẩm mắm tép Hà Yên

Nhờ làm mắm tép, chị Nguyễn Thị Đua, xã yên Dương, huyện Hà Trung có thu nhập bình quân đạt 90 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Nhờ làm mắm tép, chị Nguyễn Thị Đua, xã yên Dương, huyện Hà Trung có thu nhập bình quân đạt 90 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Những năm gần đây, nhiều người dân huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã có thêm thu nhập nhờ làm mắm tép Hà Yên truyền thống. Đây là loại mắm tép màu vàng rơm, vị ngọt dịu, không có vị tanh, chất lượng thơm ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, nghề làm mắm tép còn giúp nhiều người dân có việc làm ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Tạo thương hiệu cho sản phẩm mắm tép Hà Yên  ảnh 1Nhờ làm mắm tép, chị Nguyễn Thị Đua ở xã Yên Dương, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) có thu nhập bình quân đạt 90 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Ông Trần Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã Yên Dương cho biết, trên địa bàn xã đang có khoảng 18-30 hộ làm mắm tép. Để sản xuất mắm tép phải sử dụng tép nguyên liệu đánh bắt ở vùng đồng chiêm trũng thuộc huyện Hà Trung và nguyên liệu muối, gạo.

Sau đó, đem sơ chế loại bỏ rong rêu, bùn rồi trộn với muối làm quá trình phân giải protein trong thịt Tép được nhanh chóng. Tép sau khi trộn muối, trộn thính được chuyển vào bể để lên men trong 20 ngày.

Tiếp đó, thực hiện chăm sóc, chế biến nhằm phân bố lượng enzim được đều. Sau 2-3 tháng lúc tép đủ muối chìm xuống, nước có màu vàng, trong bể xuất hiện mùi mắm gọi là mắm đã chín.

Sau 3-6 tháng về mùa hè và 5-7 tháng về mùa đông kể từ khi chượp chín thì đem chiết rút, lúc này nước có mùi thơm đặc trưng của mắm, không có mùi tanh.

Khi toàn bộ khối nước bổn đều có hương thơm màu đẹp, nước trong, mắm thơm ngon không còn tanh thì chượp chín, chuyển chượp vào bể, khi mắm phải có màu vàng rơm, ngọt, dịu, không mặn chát, không có vị tanh, có hương thơm đặc trưng của mắm tép thì để nơi thoáng mát, che đậy, tránh bụi, mưa nắng, tránh ruồi bọ rơi vào.

Sau đó, chiết rót và đóng gói tự động vào các loại chai khác nhau tại cơ sở sản xuất, dán nhãn ghi tên nhãn hiệu “ Mắm tép Hà Yên”.

Chị Nguyễn Thị Đua, trú tại thôn Trung Tâm, xã yên Dương cho biết, mắm tép Hà Yên, huyện Hà Trung đã có từ lâu, màu sắc và mùi vị có hương thơm đặc biệt vì được làm nguyên chất từ loại tép riu chỉ có ở vùng nước nhiều rong, rêu mới có. Sản phẩm này thường được bán rất chạy vào dịp cận Tết, đảm bảo an toàn thực phẩm, không gây hại cho sức khỏe người dùng. Hiện gia đình chị đang có một cơ sở làm mắm tép, sản phẩm được xuất bán ra toàn tỉnh, giá bán 120 nghìn/hộp 1kg, thu nhập bình quân đạt 90 triệu/năm.

Bà Nguyễn Thị Dung, thôn Trung Chính, xã yên Dương cho biết: "Tôi làm mắm Tép đã 30 năm nay, nghề này được thế hệ trước để lại, tuy khi làm vất vả nhưng nguồn thu từ việc bán sản phẩm này đem lại lợi nhuận cao. Sản phẩm mắm Tép của tôi được bán cho các tiểu thương trong tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh khác. Nhờ đó, tôi đã có tiền nuôi 4 người con đi học đại học, kinh tế gia đình khá giả hơn, hiện thu nhập của gia đình tôi đạt 100 triệu/năm, tôi còn tạo việc làm cho 4 lao động với mức lương 4 triệu/người/tháng".

Tạo thương hiệu cho sản phẩm mắm tép Hà Yên  ảnh 2 Sản phẩm mắm tép Hà Yên được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2016 của Cục Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hà Trung, mặc dù nghề làm mắm Tép Hà Yên đã giúp nhiều người dân nâng cao thu nhập, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2016 là 39 triệu/người/năm, thì đến nay tăng lên hơn 43 triệu/người/năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn do vùng đánh bắt tép làm nguyên liệu sản xuất mắm tép đang bị thu hẹp, nhiều hộ làm mắm tép theo mùa nên sản phẩm cũng chưa đủ cung ứng ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hà Trung cho biết, để giữ gìn và phát triển nghề làm mắm tép Hà Yên, UBND huyện Hà Trung đã triển khai thành công dự án khoa học “xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mắm tép Hà Yên của xã Hà Yên, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa” nhằm tạo lập nhãn hiệu và quảng bá cho sản phẩm.

Hiện sản phẩm mắm tép Hà Yên đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2016 của Cục Sở hữu trí tuệ. Qua đó, giúp thương hiệu của sản phẩm được nhiều người biết đến và sử dụng như món ăn hàng ngày, ngoài ra đã có nhiều hộ dân nhờ sản xuất và buôn bán mắm tép Hà Yên vươn lên thoát nghèo.

Cũng theo ông Toàn, huyện Hà Trung đã tích cực chỉ đạo các ban, ngành, cũng như đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất mắm tép Hà Yên để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Nguyễn Nam

(TTXVN_

Có thể bạn quan tâm