Tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ

Tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ

Ngày 13/6, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010; Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ ảnh 1Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX . Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Nhiều thành tựu quan trọng

Sau gần 20 năm tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận 25-KL/TW, quá trình phát triển kinh tế -xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Phú Yên đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điều này cho thấy Nghị quyết 39-NQ/TW đã đi vào cuộc sống, thể hiện sự năng động, sáng tạo và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2005-2020 đạt 8,3%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước. Quy mô nền kinh tế năm 2020 tăng gấp 3,66 lần so với năm 2004. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng, năm 2020 đạt 50,4 triệu đồng, đến năm 2021 đạt 51,4 triệu đồng/người, tăng gấp 9,7 lần so với năm 2004. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá, giai đoạn 2005-2020 tăng khoảng 13,5%, trong đó vốn khu vực tư nhân vốn ngoài ngân sách nhà nước chiếm khoảng trên 70%.

Năng suất lao động tại địa phương tăng nhanh, giai đoạn 2004-2020 đạt khoảng 14,6%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tổng lượt khách du lịch năm 2019 đạt hơn 1,8 triệu, tăng gấp 25,96 lần so với năm 2004. Doanh thu từ hoạt động du lịch gấp 130 lần so với năm 2004.

Văn hóa - xã hội được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tỷ lệ nghèo đa chiều đến năm 2021 còn 1,96%.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương, mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng địa phương còn một số hạn chế. Tỉnh Phú Yên có tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao còn hạn chế. Đóng góp của nhân tố TFP (Năng suất nhân tố tổng hợp - gọi tắt là TFP) vào tăng trưởng và ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Chất lượng doanh nghiệp thành lập mới chưa cao, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn.

Đáng chú ý, tỉnh Phú Yên và các địa phương lân cận có sự liên kết vùng còn lỏng lẻo, phạm vi liên kết còn hẹp, mang tính tự phát, thiếu bền vững. Xung đột lợi ích trong liên kết phát triển giữa các địa phương và toàn vùng vẫn xảy ra nhất là trong thu hút nguồn lực xây dựng công trình kết cấu hạ tầng (bến cảng, sân bay...), khu đô thị, khu công nghiệp...

Tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ ảnh 2Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Tạo sự đột phá trong phát triển

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Phú Yên đặt ra mục tiêu "đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế chủ lực, để đến năm 2030 Phú Yên có ngành dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp phát triển mạnh". Điều này phù hợp với nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên kiến nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương phê duyệt các quy hoạch như: Quy hoạch xây dựng vùng duyên hải Nam Trung Bộ 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận (trong đó có vùng kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa); Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2020. Đối với địa bàn Phú Yên, ông Phạm Đại Dương đề nghị, Trung ương quan tâm sớm đầu tư hạ tầng các tuyến đường bộ cao tốc từ Phú Yên lên Tây Nguyên và hỗ trợ đầu tư tuyến đường bộ ven biển, tạo động lực cho địa phương phát triển... Các Tỉnh ủy, Thành ủy trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ hợp tác, liên kết hỗ trợ nhằm phát huy hết tiềm năng thế mạnh của tỉnh, thành phố trong vùng. Cùng với đó là khắc phục những điểm yếu, thách thức của vùng để thúc đẩy các tỉnh, thành phố cùng nhau phát triển, đạt mức bình quân chung của cả nước.

Tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ ảnh 3Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên trong thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng chí Trần Tuấn Anh yêu cầu, tỉnh sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, là công cụ quản lý và cơ sở cho việc thu hút đầu tư, quản lý phát triển địa phương.

Phú Yên có lợi thế khoảng 189 km bờ biển, nhiều đầm, vịnh đẹp tự nhiên và hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên đẹp. Vì thế mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an ninh, chủ quyền biển đảo gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong khai thác, sử dụng không gian biển.

Để tạo động lực phát triển, tỉnh Phú Yên cần chú trọng liên kết vùng, phát huy vai trò, vị thế, tiềm năng của địa phương là một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, nhất là liên kết khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, Bắc Phú Yên - Nam Bình Định và Phú Yên - Tây Nguyên. Phát triển hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 25, Quốc lộ 29, Quốc lộ 19C, đường Đông Trường Sơn với các tỉnh Tây Nguyên; kết nối với khu vực Đông Bắc Campuchia và Nam Lào, trong đó Phú Yên là một trong các cửa mở ra Biển Đông.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Trần Tuấn Anh lưu ý, Tỉnh ủy Phú Yên bám sát Kế hoạch, Đề cương của Ban Chỉ đạo Trung ương để thực hiện. Phú Yên cần bổ sung các đánh giá về kết quả xây dựng, phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên; kết quả liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ thời gian qua; thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ nhằm thúc đẩy phát triển liên kết tiểu vùng Nam Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Xuân Triệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm