Tạo ra khí oxy trên Sao Hỏa - bước tiến mới ngoạn mục của NASA

Tạo ra khí oxy trên Sao Hỏa - bước tiến mới ngoạn mục của NASA

Sau khi máy bay trực thăng mini Ingenuity làm nên lịch sử với việc thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trên một hành tinh khác (Sao Hỏa) cách đây vài ngày, tàu thám hiểm Perseverance của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tiếp tục ghi dấu ấn mới ngoạn mục khi lần đầu tiên tạo ra oxy ở "Hành tinh Đỏ".

Tạo ra khí oxy trên Sao Hỏa - bước tiến mới ngoạn mục của NASA ảnh 1 Kỹ thuật viên đặt thiết bị MOXIE vào bên trong tàu Perseverance trong phòng thí nghiệm tại Pasadena, California, Mỹ, tháng 3/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thông báo ngày 21/4 của NASA nêu rõ tàu thám hiểm Perseverance đã làm nên lịch sử khi thử nghiệm chuyển đổi thành công khí carbon dioxide từ khí quyển sao Hỏa thành khí oxy. Đây là lần đầu tiên việc tạo khí oxy được thực hiện trên một hành tinh khác. Phó Giám đốc điều hành sứ mệnh công nghệ không gian của NASA - ông Jim Reuter cho biết: “Đây là bước quan trọng đầu tiên trong việc chuyển đổi carbon dioxide (CO2) thành oxy trên sao Hỏa".

Thí nghiệm sử dụng tài nguyên oxy tại chỗ trên sao Hỏa, gọi tắt là MOXIE, là một thiết bị có kích thước bằng một bình ắcquy ô tô và được đặt bên trong, phía trước bên phải của tàu Perseverance. Thiết bị này sử dụng các phương pháp điện hóa để chia tách các phân tử carbon dioxide, được tạo thành từ một nguyên tử carbon và hai nguyên tử oxy, đồng thời tạo ra phụ phẩm carbon monoxide.

Do Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) sản xuất, MOXIE được chế tạo bằng vật liệu chịu nhiệt như hợp kim niken và được thiết kế để chịu được nhiệt độ khắc nghiệt lên đến 800 độ C. Thiết bị này được phủ một lớp vàng mỏng để không tỏa nhiệt và gây hại cho tàu Perseverance.

Trong lần chạy thử đầu tiên, MOXIE đã tạo ra 5,4 gam oxy - đủ để một phi hành gia hô hấp dễ dàng trong 10 phút trong khi vẫn thực hiện các hoạt động bình thường. Các kỹ sư sẽ tiến hành thêm thử nghiệm và tìm cách gia tăng sản lượng khí oxy. Theo thiết kế, MOXIE có thể tạo ra 10 gram oxy mỗi giờ.
Ông Jim Reuter đánh giá: "MOXIE còn nhiều việc phải làm, nhưng kết quả từ cuộc trình diễn công nghệ này là đầy hứa hẹn khi chúng tôi tiến tới mục tiêu một ngày nào đó nhìn thấy con người trên sao Hỏa". Các thử nghiệm đối với MOXIE sẽ được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là kiểm tra và định rõ đặc điểm thiết bị. Giai đoạn hai sẽ đánh giá hiệu suất của MOXIE trong nhiều điều kiện khí quyển. Trong giai đoạn cuối cùng, các nhà nghiên cứu sẽ đẩy mạnh hoạt động của thiết bị, trong đó bao gồm thử nghiệm các chế độ vận hành mới hoặc bổ sung thêm chức năng.

NASA kỳ vọng việc phát triển dụng cụ thí nghiệm không chỉ giúp tạo ra khí oxy cho các phi hành gia trong tương lai, mà còn giúp tạo ra một lượng lớn oxy để sử dụng làm chất phóng tên lửa cho chuyến hành trình trở về mà không phải vận chuyển từ Trái Đất. Theo kỹ sư Michael Hecht của MIT, phiên bản MOXIE nặng một tấn có thể tạo ra khoảng 25 tấn oxy cần thiết cho một tên lửa có thể cất cánh từ sao Hỏa.

Sản xuất oxy từ bầu khí quyển 96% carbon dioxide của sao Hỏa có thể là một lựa chọn khả thi hơn so với việc chiết xuất băng từ dưới bề mặt rồi điện phân để tạo ra oxy. Bà Trudy Kortes - Giám đốc trình diễn công nghệ của NASA cho biết: “MOXIE không chỉ là công cụ đầu tiên sản xuất oxy trên một thế giới khác, mà là công nghệ đầu tiên thuộc loại hình này giúp các sứ mệnh trong tương lai sử dụng các yếu tố của môi trường thế giới khác, còn được gọi là sử dụng tài nguyên tại chỗ”.

Tàu thám hiểm Perseverance đáp xuống Sao Hỏa ngày 18/2 vừa qua, để thực hiện sứ mệnh tìm kiếm các dấu hiệu cho sự sống của vi sinh vật tại "Hành tinh Đỏ". Trong những năm tới, tàu Perseverance đặt mục tiêu thu thập 30 mẫu đất và đá để gửi trở lại Trái Đất (ước tính vào khoảng những năm 2030) để tiến hành công tác phân tích.

Thanh Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm