Tạo “Luồng sinh khí mới” cho nghệ thuật Tuồng

Tạo “Luồng sinh khí mới” cho nghệ thuật Tuồng

Ngày 3/12, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống và di sản văn hóa phi vật thể tại 2 địa phương này.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định Tạ Xuân Chánh nhấn mạnh, trong những năm qua, các cấp lãnh đạo của tỉnh Bình Định và Thành phố Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm, đầu tư nguồn lực đáng kể vào lĩnh vực nghệ thuật nói chung, di sản Tuồng - Hát bội nói riêng, góp phần làm cho loại hình nghệ thuật truyền thống này được duy trì, củng cố và phát triển. Bên cạnh đó, nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân tài năng đã khẳng định tên tuổi, lớp diễn viên trẻ ngày càng trưởng thành, kế thừa xuất sắc.

“Di sản chỉ thật sự nâng tầm giá trị khi nó được tiếp nối và hiện diện trong đời sống hôm nay. Bảo tồn, phát huy di sản nghệ thuật Tuồng - Hát bội như thế nào luôn là nỗi lo, sự trăn trở thường trực của các nhà quản lý văn hóa và đội ngũ những nghệ sĩ, nghệ nhân thực hành và truyền dạy. Chính vì vậy, đây là dịp để đội ngũ này gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật Tuồng - Hát bội trong thời gian tới, lan tỏa các giá trị tốt đẹp, nhân văn, bồi đắp thành sức mạnh tổng hợp phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định Tạ Xuân Chánh phát biểu.

Các đại biểu đã gửi tới Hội nghị 23 bài tham luận liên quan đến vấn đề này. Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Hòa Bình, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Bình Định) cho rằng, Đảng và Nhà nước cần có nhưng cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành nghệ thuật truyền thống một cách kịp thời, phù hợp hơn với đời sống hiện nay, nhất là tiền lương, chế độ đãi ngộ… để thu hút thế hệ trẻ có năng khiếu và niềm đam mê nghệ thuật Tuồng đến với bộ môn này. Đồng thời, có “cơ chế mở” về bằng cấp, biên chế để tạo điều kiện thuận lợi trong khâu tuyển chọn người có năng khiếu.

Ngoài ra, cũng cần phải quan tâm, đẩy mạnh việc đưa nghệ thuật Tuồng vào dự án “Sân khấu học đường” giúp các em học sinh sớm có điều kiện tiếp xúc và làm quen, ươm mầm và phát hiện tài năng nghệ thuật từ bé; mời các nghệ nhân, nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, vững tay nghề để truyền dạy; đa dạng hóa chương trình, kịch mục biểu diễn…

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn nhìn nhận, cần phải tái tạo đúng không gian biểu diễn truyền thông của Hát bội là ở Đình (nhà Võ ca) thay vì đổi mới không gian biểu diễn và kiểm soát tốt hơn sự can thiệp quá mức của các yếu tố công nghệ trong các vở diễn Hát bội. Mặt khác, không nên xem “sân khấu du lịch” là giải pháp để bảo tồn, phát huy nghệ thuật Hát bội, mà chỉ xem nó như một phương thức kiếm tiền từ di sản văn hóa; không nên cải biên, sáng tạo quá mức trong các vở diễn để rồi tự đánh mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc mà cái chúng ta cần là tập trung nguồn lực để củng cố những giá trị cốt lõi, giàu bản sắc nhất của Hát bội để giới thiệu tới du khách.

Bình Định là mảnh đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời và là “cái nôi” của bộ môn nghệ thuật truyền thống Tuồng - được ví như viên ngọc quý trong di sản văn hóa Việt Nam và là “món ăn” tinh thần không thể thiếu; là nơi khởi nguồn của Đoàn Tuồng Liên khu V (thành lập năm 1952) - đơn vị Tuồng cách mạng đầu tiên trong cả nước với đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ hùng hậu, đông đảo qua các thời kỳ.

Nghệ thuật Tuồng (Hát bội) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2014.

Lê Phước - Vĩnh Trọng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm