Tạo hướng đi mới cho du lịch An Giang

Tạo hướng đi mới cho du lịch An Giang
Phong cảnh Thị xã Châu Đốc nhìn từ Núi Sam. Ảnh: Duy Khương - TTXVN
Phong cảnh Thị xã Châu Đốc nhìn từ Núi Sam. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Điểm đến hấp dẫn 

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng khắp cả nước như Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, du lịch Núi Cấm. Bên cạnh đó là dòng sông Vàm Nao, sông Tiền, sông Hậu nên thơ, kiến trúc đẹp của các khu điểm di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh cấp quốc gia Núi Sam, Đồi Tức Dụp, rừng tràm Trà Sư, có di chỉ nền văn hóa Óc Eo - Ba Thê. An Giang là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với Khu Lưu niệm nằm trên vùng cù lao Ông Hổ xanh mát giữa dòng sông Hậu... thích hợp tham quan, nghỉ dưỡng. 

An Giang còn là địa phương có dân tộc Kinh, Khmer, ChămHoa... cùng chung sống lâu đời, đã tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng qua các lễ hội văn hóa như: lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (dân tộc Kinh), Tết Chol Chnam Thmay, Lễ hội Donta, Lễ hội Đua bò Bảy Núi (dân tộc Khmer), Lễ Ramadam, Roya (dân tộc Chăm)... 

Từ những lợi thế, tỉnh An Giang tập trung củng cố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư cải thiện môi trường du lịch. Nhiều địa phương đầu tư khai thác các khu điểm tham quan du lịch theo từng loại hình du lịch nông nghiệp, cộng đồng, sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh. Nhiều công ty lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh đã khai thác mở nhiều tour, tuyến bằng đường bộ lẫn đường thủy phục vụ cho nhu cầu du khách. 

Tỉnh An Giang chú trọng phát triển hạ tầng viễn thông, với chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn. Từ năm 2015, thành phố Châu Đốc đã thí điểm phủ sóng wifi miễn phí tại ba điểm: Công viên tượng đài cá Basa, công viên chùa Bồ Đề và Khu du lịch Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Chi nhánh Viettel An Giang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai dịch vụ Tourist.one trên thiết bị điện thoại di động, cho phép quản lý thông tin khách du lịch, tạo ra các tiện ích tra cứu du lịch An Giang như đặt vé online, nhắn tin chăm sóc khách hàng và nhiều dịch vụ khác. 

Về hạ tầng giao thông, An Giang tích cực đầu tư theo hướng hoàn chỉnh các tuyến đường giao thông đến các khu, điểm du lịch. Toàn tỉnh đã có gần 5.507km đường giao thông và 1.639 cây cầu với chiều dài 55,7km. Giao thông đường thủy thông suốt, hiện tại An Giang có một cảng đón du khách được đầu tư tại thành phố Châu Đốc. 

Nhờ vậy, tỉnh An Giang đã thu hút sự quan tâm của du khách. Năm 2016, An Giang tiếp đón 6,3 triệu lượt du khách và 10 tháng đầu năm 2017 đã đón 7,1 triệu lượt du khách, trong đó có trên 68.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch 3.450 tỷ đồng. 

Tạo hướng đi mới cho du lịch 

Theo ông Nguyễn Văn Lên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, trong nhiều năm qua, tỉnh đã từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, lượng du khách lưu trú còn rất khiêm tốn, chỉ tập trung một số khu du lịch trọng điểm. Để du lịch An Giang phát triển bền vững, tỉnh tập trung hướng đi mới là phát triển du lịch tâm linh. 

Với hướng đi mới này, An Giang phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất một khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 3 - 4 sao, có các khu vui chơi, giải trí quy mô vừa, các trung tâm mua sắm hiện đại; có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại; phủ sóng mạng wifi hoàn toàn tại các khu, điểm du lịch trung tâm để phục vụ du khách. 

Ngày 12/11/2017 (nhằm ngày 24/9 âm lịch) tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn đã chính thức làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng “Thiền Viện Trúc Lâm An Giang” với qui mô 11 ha... mở ra thêm một công trình du lịch tâm linh, cùng với di tích Miễu Bà Chúa Xứ Núi Sam, Núi Cấm, thu hút du khách hành hương, chiêm bái. Thời gian tới, An Giang sẽ tập trung phát triển thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân), cái nôi của đạo Phật giáo Hòa Hảo thành điểm đến thu hút khách du lịch hành hương, cùng với mở rộng các sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương. 

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, là tỉnh có nhiều khu, điểm du lịch có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Số khách du lịch lưu trú chỉ chiếm khoảng 10% cho thấy, du lịch tỉnh đã và đang thiếu nhiều yếu tố hấp dẫn để giữ chân khách lưu trú. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú mang tính nhỏ lẻ, rời rạc, dịch vụ du lịch nghèo nàn, thiếu hẳn những khu vui chơi, giải trí, trung tâm mua sắm hiện đại, chưa tạo được những sản phẩm du lịch có tính đặc thù để thu hút nhu cầu mua sắm của du khách. Vì vậy, tỉnh An Giang đang tập trung quy hoạch tổng thể du lịch. Trước mắt, tỉnh ưu tiên 4 khu trọng điểm có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng: Khu Du lịch tâm linh Núi Sam - Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Khu Du lịch Núi Cấm - rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), sinh thái vùng sông nước tại cù lao ông Hổ - cồn Phó Ba (xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên) và Khu di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn) bằng việc sắp xếp, tập huấn hướng dẫn người dân cùng làm du lịch, mở rộng hợp tác kết nối du lịch với các tỉnh, thành trong nước. Tỉnh tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các khu điểm lịch, hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, lễ hội và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Tỉnh An Giang đang triển khai xây dựng mô hình phát triển du lịch văn hóa sinh thái ở lòng hồ Tân Trung - Vàm Nao (huyện Phú Tân); quy hoạch phát triển du lịch ba  xã Cù Lao Giêng (xã Tấn Mỹ, Bình Phước Xuân, Mỹ Hiệp thuộc huyện Chợ Mới); quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Thoại Sơn giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân là 10%/năm. Mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch tỉnh An Giang sẽ đón 10,1 triệu lượt khách, trong đó tỷ trọng khách lưu trú chiếm 20%, số ngày lưu trú bình quân là 2,5 ngày. Đến năm 2025, An Giang với mục tiêu “giữ chân du khách”, tăng tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành du lịch trong GRDP của tỉnh lên 15,3%, tốc độ tăng trưởng số lượt khách du lịch bình quân 5%/năm. 
Vương Thoại Trung
TTXVN

Có thể bạn quan tâm