Tạo đột phá ở xã nông thôn mới vùng cao Chiềng Ngần

Tạo đột phá ở xã nông thôn mới vùng cao Chiềng Ngần
Xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
 Xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Giờ đây, diện mạo nông thôn trên địa bàn xã Chiềng Ngần thay đổi nhanh chóng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên. Dễ nhận thấy nhất là những con đường đã được bê tông hóa phẳng lỳ, nương cà phê, vườn cây trĩu quả, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang.

Với phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ trên cơ sở công khai minh bạch, cấp ủy, chính quyền xã đã bám sát chủ trương, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, định hướng của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố, đưa những nội dung quan trọng, công việc cụ thể ra để bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến nhân dân. Trong thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí, vai trò của người dân luôn được đề cao theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, sao cho mỗi người dân đều nhận thức được xây dựng nông thôn mới là của dân, do dân và vì dân. 

Đặc biệt, xác định phát triển nông nghiệp là hướng đi nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã Chiềng Ngần đã đưa ra các giải pháp để tạo bước đột phá phát triển nông nghiệp nông thôn, từng bước thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, phương thức canh tác nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tích cực đổi mới cây giống, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong số đó, xã tập trung phát triển cây trồng trên đất dốc, cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao như chanh leo, nhãn, xoài Đài Loan, mận tam hoa; phát triển chăn nuôi theo quy mô vừa và nhỏ, tập trung vào chăn nuôi đại gia súc. 

Cùng với đó, với quan điểm, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài, khối lượng công việc, kinh phí đầu tư lớn, nếu không biết phát huy nội lực trong dân thì khó có thể thành công, nên mỗi tổ chức, đoàn thể của xã đã có một cách làm riêng, sáng tạo. Mặt khác, xã đã phát huy tối đa quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong quần chúng nhân dân, tích cực hưởng ứng góp sức, tiền của, hiến đất, tài sản trên đất để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.
 
Diện mạo xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
 Diện mạo xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Bên cạnh đó, xã đặc biệt chú trọng đến tiêu chí trường học, chất lượng giáo dục. Cơ sở vật chất của các trường được xây dựng khang trang, trang thiết bị dạy học được đầu tư, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ dân trí trên địa bàn. Ngoài ra, cùng với đầu tư xây dựng mới trạm y tế, các trang thiết bị cũng từng bước nâng cấp, đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh cho người dân. Xã đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế. 

Thành quả nổi bật sau hơn 7 năm nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới là kinh tế của xã Chiềng Ngần chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh được đầu tư xây dựng đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Song song với đó, xã luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân. 

Ông Lò Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần cho biết, là địa phương có xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 5/19 tiêu chí khi bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới năm 2012, nhưng thời gian qua, xã đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên và đã hoàn thành 19/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.

Nổi bật, trong xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động các nguồn lực được trên 35,09 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 10,01 tỷ đồng. Tỷ lệ đường xá được nhựa hóa, bê tông đạt 78,57%; đường trục bản được bê tông đạt 81,22%; đường ngõ bản được cứng hóa đạt trên 74%.

Các công trình giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện cho bà con nhân phát triển sản xuất, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt trên 95,6%, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 32,15 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,9%. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của xã có nhiều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân ngày một được nâng cao. 

Phấn khởi xã đạt chuẩn nông thôn mới, ông Lò Văn Thanh, bản Nà Ngùa, bộc bạch, sống ở xã đạt chuẩn nông thôn mới ông rất vui, bởi đường xá được bê tông hóa, thuận lợi cho người dân đi lại. Cuộc sống của người dân đã được nâng lên, ai cũng có của ăn của để.  

Ông Cà Văn Ký, Bí thư Chi bộ bản Phường chia sẻ, trước khi thực hiện chương trình nông thôn mới, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, một số bản không có đường giao thông đến trung tâm, mùa mưa đường lầy lội không thể đi được. Nhưng đến nay, các bản đã có đường giao thông, nhân dân đi lại thuận tiện; hệ thống điện, trường học, trạm y tế được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng mới.  

Bác sỹ Tòng Thị Thong, Trạm trưởng Trạm y tế xã Chiềng Ngần, bộc bạch, thông qua xây dựng nông thôn mới, trạm đã được Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư xây dựng cho một ngôi nhà khang trang, gồm 2 tầng với 7 phòng chức năng. Các trang thiết bị và cơ sở vật chất mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân trên địa bàn xã.

Để giữ vững và duy trì các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ông Lù Văn Tính, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Ngần cho biết, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; ổn định đời sống của nhân dân để bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Nguyễn Cường
TTXVN

Có thể bạn quan tâm