Tạo cơ hội mới để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển bền vững

Tạo cơ hội mới để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển bền vững

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là một trong 10 sự kiện nổi bật trong hoạt động của Quốc hội năm 2020, được đánh giá là quyết định mang tính lịch sử, có ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc.

Cùng với Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8), việc ban hành Nghị quyết số 120 đã khẳng định quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tạo cơ hội mới để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững.

Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư

Mục tiêu của Nghị quyết số 120 là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 và giai đoạn II: Từ năm 2026 đến năm 2030.

Để triển khai Chương trình bảo đảm thống nhất, kịp thời và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 120 với mục đích xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan; đảm bảo đồng bộ, kịp thời, thống nhất, hiệu quả; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhận định, nội dung mới, đột phá quan trọng nhất là Bộ Chính trị chỉ đạo, Chính phủ xây dựng, Quốc hội phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tổng nguồn vốn giai đoạn 2021- 2025 là hơn 137 nghìn tỷ đồng (trong đó: ngân sách Trung ương gần 105 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 10 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách gần 20 nghìn tỷ đồng và vốn huy động từ các nguồn khác). Việc đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng có ý nghĩa quyết định đã cơ bản khắc phục được tình trạng chính sách không đi liền với ngân sách. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để các chương trình có thể triển khai có hiệu quả, thành công trong thực tế, góp phần nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê đánh giá, Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 120 là hai chương trình lớn, toàn diện, thể hiện rõ tính tập trung, không dàn trải, phù hợp với tâm nguyện của đồng bào.

Quốc hội, Chính phủ dự kiến nguồn vốn lớn nhất từ trước đến nay để đầu tư thực hiện Chương trình nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong 10 năm tới. Nếu làm tốt chương trình này, đồng bào không chỉ có cần câu mà còn có cả ao cá, giống cá nhằm thay đổi kế sinh nhai, nâng cao đời sống, thu hẹp chênh lệnh với các vùng miền khác.

Bảo đảm công khai, dân chủ

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê cho biết, Cao Bằng đang triển khai tuyên truyền sâu rộng chương trình đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh. Các ngành, địa phương tập trung khảo sát đánh giá, đăng ký nhu cầu đầu tư hỗ trợ, làm rõ các phần việc của Nhà nước, người dân cần làm để xây dựng các kế hoạch chi tiết cho triển khai thực hiện chương trình. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo thành lập các Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình ở cấp tỉnh, cấp huyện. Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung nghiên cứu để ban hành các nghị quyết cụ thể về chỉ đạo thực hiện chương trình.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê khẳng định, với tinh thần chủ động, quyết tâm, quyết liệt, tỉnh sẽ tận dụng cơ hội, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 ở địa phương, chắc chắn sẽ đem lại đổi thay cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Tuy nhiên, theo ông Triệu Đình Lê, khó khăn của vùng còn rất nhiều, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy. Cho rằng nút thắt cần được tháo gỡ là kết nối giao thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng bày tỏ mong muốn Trung ương quan tâm đầu tư lớn hơn cho kết nối giao thông, giảm bớt khó khăn, đánh thức tiềm năng, tạo điều kiện thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội.

Khẳng định Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 được Quốc hội thông qua là hai Nghị quyết của ý Đảng, lòng Dân, là sự mong đợi khát khao của đồng bào các dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, phải tập trung cao độ, triển khai thực hiện thật tốt Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia này; qua đó, góp phần giải quyết căn cơ yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho đồng bào, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, trình độ phát triển so với những vùng khác.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tính đặc thù, không chỉ đơn thuần là thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn tích hợp, thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Do vậy, để Nghị quyết 120 thực sự đi vào đời sống của đồng bào, các cấp, các ngành, địa phương cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện phải bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, cần phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, phải đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách Nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện Chương trình; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện.

Phan Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm