Tạo bước đột phá, giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang

Tạo bước đột phá, giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, cải tạo vườn tạp là một trong những khâu đột phá, tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao, cùng sự đồng lòng, nhất trí của cả hệ thống chính trị, huyện vùng cao Mèo Vạc đã đạt nhiều kết quả tích cực trong triển khai chủ trương này.

* Từ đề án lớn mang tầm chiến lược

Theo Nghị quyết số 05 ngày 1/12/2020 của Tỉnh ủy Hà Giang, là một bộ phận cấu thành kinh tế hộ gia đình trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, kinh tế vườn hộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Người dân vẫn để vườn tạp nhiều, chưa thực sự tạo sinh kế và chưa đáp ứng được nhu cầu, thu nhập hằng năm của hộ gia đình.

Hà Giang là tỉnh nông nghiệp, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, đảm bảo sinh kế cho khoảng 86% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 186.000 hộ, trong đó có hơn 41.000 hộ nghèo (chiếm 22,3%) và trên 28.000 hộ cận nghèo (chiếm 15,33%). Đặc biệt, do đặc thù địa hình chia cắt mạnh, một số huyện vùng cao núi đá, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn hơn.

Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá phía Bắc tỉnh Hà Giang, một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Đồng bào các dân tộc trong huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Cây trồng chính là cây ngô, đời sống và thu nhập của bà con còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao, đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 64,04%.

Tạo bước đột phá, giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang ảnh 1Chị Trương Thị Mai, thôn Sảng Pả B, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang thu hoạch vườn rau của gia đình sau khi tham gia cải tạo vườn tạp từ Nghị quyết 05. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Hồng Mí Sinh cho biết, huyện đã cụ thể hóa các chỉ đạo của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết 05; quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo Ban Chỉ đạo Chương trình cải tạo vườn tạp các xã, thị trấn tiếp tục triển khai tốt nội dung, giải pháp tại văn bản của Ban Chỉ đạo cấp trên. Lãnh đạo Huyện ủy, UBND, HĐND, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên đi cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo, đôn đốc các xã thực hiện.

* Nỗ lực “nhuộm” xanh cho đá

Điều kiện địa hình đặc biệt, chủ yếu là đồi núi đá, giao thông đi lại khó khăn, diện tích vườn của các hộ còn manh mún, nhỏ lẻ, khó khăn cho công tác quy hoạch vườn hộ; tình hình thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất thường xuyên xảy ra... Đây là một trong những khó khăn lớn nhất huyện Mèo Vạc gặp phải trong thực hiện Nghị quyết số 05.

Không chỉ huyện Mèo Vạc mà đa phần các huyện vùng cao khác cũng lâm vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực. Do nhu cầu phát triển thị trường lao động trong nước, lượng lớn lao động nông thôn ở huyện chuyển sang một số ngành nghề khác có thu nhập tốt hơn. Ngày càng có nhiều lao động từ bỏ sản xuất nông nghiệp để tham gia xuất khẩu lao động, đi làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp ngoài địa bàn huyện và tỉnh… Cùng với đó, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế, nhất là các hộ thuộc diện được thụ hưởng chính sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; khó khăn trong quá trình triển khai từ khâu đăng ký đến tổ chức thực hiện dẫn tới nhiều mô hình vườn tạp chưa thực sự hiệu quả. Ý thức tổ chức sản xuất của nhiều hộ chưa cao, chưa nhận thức rõ việc cải tạo vườn tạp là việc của gia đình và bản thân mình, còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của chính quyền, các hội đoàn thể.

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc) Đỗ Văn Tuyên, quá trình thực hiện từ năm 2021 đến nay, một số hộ mới làm lần đầu, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi còn nhiều lúng túng. Do đặc thù vùng núi cao, điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt, thời tiết thất thường, thiếu nguồn nước khi mùa khô đến cũng là cản trở lớn trong quá trình thực hiện.

Gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng với quyết tâm cao, cùng sự đồng lòng, nhất trí của cả hệ thống chính trị, việc triển khai Nghị quyết 05 tại huyện Mèo Vạc đã có những kết quả tích cực.

Theo ông Hồng Mí Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, năm 2023, các xã đã đăng ký 160 hộ tham gia. Hiện các tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo huyện cũng như cấp xã đang tham mưu, triển khai, thẩm định, lập dự án cho các hộ.

Tạo bước đột phá, giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang ảnh 2Chị Trương Thị Mai, thôn Sảng Pả B, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang chăm sóc, thu hoạch khu vườn rau của gia đình. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Gia đình chị Trương Thị Mai, thôn Sảng Pả B, thị trấn Mèo Vạc có hơn 1.000m2 đất canh tác. Trước đây, gia đình chị trồng ngô, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch khá lâu. Mỗi năm chỉ thu một vụ, cây ngô lại hay bị sâu bệnh nên gia đình chị không chăm sóc nhiều cho mảnh vườn nữa. Được các chính quyền tuyên truyền, vận động, gia đình chị Mai quyết tâm thay đổi mảnh vườn. Cùng sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp sau hơn một năm, mảnh đất vườn của gia đình chị đã được phủ xanh bởi bầu, bí, mướp, mướp đắng, bắp cải, cải xanh… Đến nay, gia đình chị đã có nguồn thu chính từ vườn rau xanh, kinh tế được cải thiện nhiều so với trước đây.

Theo bà Giàng Thị Pháy, thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, trước đây, gia đình chỉ trồng ngô trên diện tích đất hơn 1 ha. Từ khi tham gia cải tạo vườn tạp, bà Pháy cùng con cháu chuyển sang trồng xen kẽ các loại rau xanh, kết hợp trồng ngô, nhờ đó thu nhập tăng lên nhiều lần.

Tạo bước đột phá, giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang ảnh 3Gia đình bà Giàng Thị Pháy, thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc cải tạo, chăm sóc 1ha vườn trồng xen kẽ ngô và các loại rau màu của gia đình. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Ông Hồng Mí Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc đánh giá, từ khi triển khai Nghị quyết 05, các hộ đã có khu vườn đẹp, cho ra những sản phẩm có giá trị, phù hợp điều kiện kinh tế gia đình. Tư duy, nhận thức được nâng lên, nhiều hộ mạnh dạn hơn trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước đây.

* Thay đổi để vươn lên thoát nghèo

Thay đổi tư duy, cải tạo tư duy không đơn thuần, dễ làm như việc cải tạo vườn tạp nhưng đó là thay đổi căn cơ để tạo bước đột phá vươn lên thoát nghèo. Việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống đã góp phần làm thay đổi tư duy canh tác trồng trọt, chăn nuôi trước đây, giúp đồng bào có hướng đi mới, cách làm mới một cách bài bản, hiệu quả, dần dần thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tạo bước đột phá, giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang ảnh 4Mạnh dạn cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng các loại rau màu, chị Trương Thị Mai, thôn Sảng Pả B, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã có thu nhập tốt hơn trước rất nhiều. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Nghị quyết số 05 đã chỉ rõ, cải tạo vườn tạp phải được triển khai một cách đồng bộ từ các cấp, ngành đến người dân với quan điểm “không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”. Mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh vườn của mình, từ đó tăng dinh dưỡng, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Từ thay đổi nhận thức, phong tục, thói quen tập quán, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây, vật nuôi có giá trị kinh tế cao sẽ tạo động lực để người dân làm giàu thêm đối với hộ khá, tạo tư liệu sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí tự vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh vườn của mình, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trong hai năm 2021 - 2022, huyện Mèo Vạc có 260 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, trong đó có 204 hộ được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số tiền được giải ngân gần 6 tỷ đồng. Kết quả cho thấy, đối với hộ được thụ hưởng chính sách đã cải tạo tổng diện tích trên 1.265.000m2.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình cải tạo vườn tạp huyện Mèo Vạc, qua theo dõi, thu nhập mang lại sau khi thực hiện cải tạo vườn tạp đã trừ chi phí đầu tư, bình quân mỗi hộ thu nhập từ trên 10,4 triệu đồng trở lên/năm.

Qua hai năm triển khai Nghị quyết 05, nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực. Với 3.450m2, gia đình ông Già Mí Của (thôn Xín Phìn Chư, xã Thượng Phùng đã quy hoạch lại để chăn nuôi hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông đầu tư xây mới chuồng gà, hố gom ủ phân, mở rộng quy mô chăn nuôi. Bước đầu, thu nhập tăng thêm của hộ gia đình là khoảng 20 triệu đồng/năm so với trước khi thực hiện cải tạo vườn tạp.

Gia đình ông Phan Văn Chím, thôn Nà Trào, xã Tát Ngà đã thực hiện các hạng mục san gạt mặt bằng trong khu vực canh tác trên 3.000m2, tạo hàng rào, trồng 2.500 m2 cây lương thực, trồng 1.500m2 rau các loại, chăm sóc tốt cho 13.000m2 cây ăn quả… lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Ước tính tổng thu nhập tăng thêm của hộ gia đình là khoảng 48 triệu đồng/năm.

Có thể thấy, chương trình cải tạo vườn tạp đã quy hoạch, sắp xếp bố trí cấu trúc lại không gian vườn hộ một cách hợp lý, khoa học, phù hợp quy mô thực tiễn từng hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn “xanh - sạch - đẹp”. Đồng thời, cơ cấu lại giống cây trồng, vật nuôi, đưa các cây, con giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất để tăng thu nhập cho người dân.

Tạo bước đột phá, giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang ảnh 5Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 05, đến nay, nhiều hộ dân ở huyện Mèo Vạc đã tham gia cải tạo vườn tạp, nỗ lực phủ xanh vùng đất khó. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Bên cạnh việc giúp người dân tăng thu nhập một cách hiệu quả, bền vững, việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống đã làm thay đổi đáng kể tư duy, giúp bà con hiểu rõ phương thức, cách làm, canh tác, cải tạo để vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất vốn có của mình, dần dần bỏ qua tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ triển khai hiệu quả Nghị quyết 05, vùng đất chỉ toàn đá xám Mèo Vạc từng bước “thay da đổi thịt”. Sự đồng lòng, nhất trí, chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của người dân đã dần dần “tẩy” màu cho nền đá xám để phủ xanh ruộng vườn bằng những mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức mới, phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế. Từ đó, bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Nam Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm