Tạo bước chuyển đưa huyện miền núi Bác Ái sánh vai vùng đồng bằng

Đường vào Trung tâm huyện nối với các xã ở Bác Ái đã và đang được đầu tư trải nhựa tạo thuận lợi cho lưu thông. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Đường vào Trung tâm huyện nối với các xã ở Bác Ái đã và đang được đầu tư trải nhựa tạo thuận lợi cho lưu thông. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Để huyện miền núi Bác Ái sớm sánh ngang với các địa phương vùng đồng bằng, thời gian tới, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và tỉnh Ninh Thuận, Huyện ủy, UBND huyện Bác Ái sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo bước chuyển đưa huyện miền núi Bác Ái sánh vai vùng đồng bằng ảnh 1Đường vào Trung tâm huyện nối với các xã ở Bác Ái đã và đang được đầu tư trải nhựa tạo thuận lợi cho lưu thông. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Huyện Bác Ái có diện tích tự nhiên hơn 10.2000 ha; trong đó hơn 12.000 ha là đất nông nghiệp, còn lại hầu hết là đất rừng và núi đá. Toàn huyện có hơn 32.600 dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai, chiếm khoảng 90% dân số, chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp.

Bác Ái là một trong 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Những ngày đầu tái lập (năm 2001), huyện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Là huyện miền núi, điểm xuất phát thấp, nhiều tiềm năng sẵn có vẫn chưa được khai thác, phát huy để đưa Bác Ái phát triển đi lên một cách mạnh mẽ. Các lĩnh vực nông, lâm nghiệp chưa có khâu đột phá, chưa có điểm sáng. Các sản phẩm đặc thù chưa có tính thương mại và cạnh tranh thị trường. Sự đa dạng về văn hóa truyền thống của người Raglai, các di tích lịch sử, du lịch sinh thái chưa được phát huy, khai thác có hiệu quả…

Ông Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái cho biết, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho bà con, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Trung ương, của tỉnh; đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, tinh thần và ý chí vươn lên của đồng bào các dân tộc, huyện Bác Ái đã chuyển mình đi lên mạnh mẽ.

Tạo bước chuyển đưa huyện miền núi Bác Ái sánh vai vùng đồng bằng ảnh 2Trẻ em đồng bào Raglai ở huyện Bác Ái được tập trung học nội trú tại trường. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Cụ thể, các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đầu tư tại huyện được triển khai đồng bộ, kịp thời. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào được quan tâm đầu tư; diện mạo nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc; nông nghiệp có bước phát triển; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, du lịch có chuyển biến tích cực. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, công tác giảm nghèo được triển khai đạt kết quả, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm trên địa bàn huyện giảm 5,9%; mạng lưới y tế, giáo dục từng bước được mở rộng; bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét; quốc phòng-an ninh được giữ vững; đồng bào các dân tộc huyện Bác Ái tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Ông Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái khẳng định: Để tạo bước chuyển mới trong phát triển kinh tế - xã hội cho những năm tới, UBND huyện sẽ tranh thủ tối đa cơ hội, tích cực thu hút đầu tư để tập trung phát triển. Trong đó, huyện chú trọng đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đảm bảo quốc phòng, an ninh; hướng đến xây dựng huyện thành không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào Raglai; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 4%.

Tạo bước chuyển đưa huyện miền núi Bác Ái sánh vai vùng đồng bằng ảnh 3Đồng bào Raglai ở Bác Ái tập trung sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021. Ảnh: Công Thử - TTXVN

UBND huyện đã xác định các khâu đột phá, trong đó huy động, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu theo hướng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là ưu tiên hoàn thiện các dự án, công trình phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống dân sinh gắn với xây dựng nông thôn mới.

Với điều kiện giàu về rừng và đất rừng, huyện Bác Ái cũng chú trọng phát triển kinh tế và thu nhập từ rừng, triển khai tốt chính sách nhận khoán bảo vệ và chăm sóc rừng, trồng rừng thay thế nương rẫy và trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng. Đồng thời, để tạo lợi thế so sánh huyện sẽ tập trung thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; hình thành và phát triển vùng chuyên canh tập trung với quy mô hợp lý, chú trọng phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao ở những địa bàn phù hợp, tạo sản phẩm đặc sản, độc đáo thay thế cho sản phẩm cao sản, đại trà để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.

Ngoài ra, huyện Bác Ái cũng tập trung nâng chất lượng giáo dục - đào tạo và chất lượng dân số; xây dựng các thiết chế văn hóa đặc trưng của đồng bào Raglai; kết hợp phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, tạo ra những sản phẩm du lịch riêng biệt mang đậm sắc thái vùng miền, giúp đồng bào có thêm thu nhập, cải thiện hơn nữa chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, diện mạo vùng miền núi huyện Bác Ái đang đổi thay từng ngày, nhiều công trình, dự án quy mô lớn đã và đang được đầu tư như: Dự án thủy lợi Tân Mỹ; dự án thủy điện tích năng; các dự án năng lượng tái tạo; dự án nông nghiệp công nghệ cao… dần phát huy hiệu quả tích cực, tạo đòn bẩy đưa Bác Ái phát triển vững chắc.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm