Tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế

Tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế

Bệnh nhân điều trị HIV tại Phòng khám liên khoa Lao-HIV quận Gò Vấp. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Bệnh nhân điều trị HIV tại Phòng khám liên khoa Lao-HIV quận Gò Vấp.
Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Ngành Y tế đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS, với trên 713 nghìn lượt truyền thông được triển khai trên toàn quốc, hàng trăm bài báo đưa tin về công tác điều trị, xét nghiệm HIV, thực hiện các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và hướng tới kết thúc AIDS vào năm 2030, sử dụng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Mục tiêu 90-90-90 có nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp, đây là mục tiêu đã được Chính phủ cam kết thực hiện năm 2014.
Các địa phương đã phân phát bơm kim tiêm sạch cho gần 106 nghìn người nghiện chích ma túy; phân phát bao cao su cho hơn 62 nghìn người nghiện chích ma túy, trên 35,5 nghìn phụ nữ bán dâm, trên 67,6 nghìn nam quan hệ tình dục đồng giới và gần 16,5 nghìn vợ, bạn tình của người nhiễm HIV tại 52 tỉnh, thành phố. Các ngành chức năng đẩy mạnh điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone (số bệnh nhân do ngành Y tế điều trị là 93,54%, ngành Lao động-thương binh và xã hội là 6,44%, ngành Công an là 0,02%); tăng số cơ sở điều trị Methadone từ 294 cơ sở năm 2017 lên 314 cơ sở năm 2018 ở tất cả 63 tỉnh, thành phố với trên 54,2 nghìn bệnh nhân, tăng gần 3 nghìn bệnh nhân so với năm 2017. Bộ Y tế cũng đang xây dựng Đề án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Burpronorphine. Hiện toàn quốc có 1.345 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, 144 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính (tăng 9 phòng so với năm 2017) và khoảng 1.300 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV ở 100% số huyện trên toàn quốc. Việc điều trị ARV được triển khai ở cả 63 tỉnh, thành phố, số phòng khám điều trị ARV tăng từ 401 phòng năm 2017 lên 429  phòng năm 2018; triển khai cấp phát thuốc ARV tại 652 trạm y tế (tăng 90 trạm y tế so với năm 2017), 32 trại giam và 2 trại tạm giam. Đặc biệt, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế đã tăng đáng kể, từ 50% vào tháng 10/2016  lên khoảng 90% hiện nay. Nhiều tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế như Ninh Thuận, Lai Châu, Cao Bằng, Cà Mau.  Ngành y tế đã hoàn thành đấu thầu tập trung mua thuốc ARV năm 2019 sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để có thể triển khai ngay từ đầu năm 2019. Trong năm 2019, ngành Y tế mở rộng hoạt động xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV chủ động, tập trung xét nghiệm HIV ở các khu vực trọng điểm, các nhóm nguy cơ cao, trong trại giam, khu vực miền núi thông qua hình thức xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng và tự xét nghiệm HIV, phấn đấu năm 2019 phát hiện được khoảng 8.000-10.000 trường hợp nhiễm HIV. Ngành mở rộng các hoạt động can thiệp, giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; thí điểm điều trị nghiện bằng Buprenophine; mở rộng điều trị tiền phơi nhiễm HIV (PrEP) và tiếp tục mở rộng cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su cho các đối tượng nguy cơ cao. Ngành chú trọng nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, phấn đấu điều trị ARV cho 140.000 bệnh nhân, mở rộng xét nghiệm tải lượng virus HIV; triển khai cấp phát thuốc ARV tại tuyến y tế cơ sở, cấp phát thuốc ARV nhiều tháng cho các bệnh nhân ổn định. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục huy động các nguồn tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhanh chóng mở rộng điều trị HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế; tiếp tục huy động các nguồn tài trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; đảm bảo cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật phẩm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS...
Nguyễn Thị Bích Thủy

Có thể bạn quan tâm