Tăng thu nhập từ trồng cây trúc ở Cao Bằng

Tăng thu nhập từ trồng cây trúc ở Cao Bằng
Vườn trúc của hộ gia đình tại huyện Bảo Lạc bắt đầu cho khai thác. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN
Vườn trúc của hộ gia đình tại huyện Bảo Lạc bắt đầu cho khai thác.
Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN
Xã Huy Giáp là một trong những địa phương trồng nhiều trúc nhất của huyện Bảo Lạc. Hiện nay, 19/19 xóm với trên 700 hộ (90% số hộ) của xã Huy Giáp đều trồng cây trúc. Mỗi năm, người dân  ở đây bán từ 500 - 700 xe trúc, thu nhập trên 4 tỷ đồng. Ông Đặng Phu Lìn (người Dao) xóm Nặm Cốp, xã Huy Giáp cho biết, những năm gần đây, gia đình ông bán bình quân từ  30 - 40 xe trúc; riêng năm 2018, bán được trên 70 xe, thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ cây trúc mà gia đình ông  xây được nhà cửa khang trang, cuộc sống không còn vất vả như trước đây. Chủ tịch UBND xã Huy Giáp Dương Văn Bảo cho biết, hiện nay xã Huy Giáp có gần 1000 ha trúc đã cho khai thác, bình quân thu nhập trên 50 triệu/ha. Xác định trúc là cây trồng mũi nhọn để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xã Huy Giáp tiếp tục tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích, nguồn giống, đất đai của từng xóm, từ đó xây dựng kế hoạch trồng mới hằng năm. Phấn đấu đạt chỉ tiêu huyện giao mỗi năm phát triển thêm 40 - 50 ha trúc.
Cây trúc sào mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVNCây trúc sào mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ  vào sản xuất, chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2018, huyện Bảo Lạc đã trồng mới được 41 ha trúc, nâng diện tích trúc sào toàn huyện lên trên 1.890 ha với khoảng 800 ha đang cho khai thác ổn định theo hướng sản xuất trở thành hàng hóa. Tổng giá trị thu nhập từ cây trúc sào đạt trên 7 tỷ đồng/năm, góp phần tăng thu nhập cho người dân, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo trở thành hộ khá giả trong huyện. Tại huyện Nguyên Bình, tính đến tháng 7 năm 2019, diện tích trúc tăng thêm 242 ha/500 ha (đạt 48,37% kế hoạch); trong đó, năm 2016 trồng mới đạt 4,26 ha, mọc lan đạt 57,16 ha; năm 2017 trồng mới đạt 1,555 ha, mọc lan 62,87 ha; năm 2018 trồng mới đạt 1,892 ha, mọc lan đạt 63,73 ha; 6 tháng đầu năm 2019 trồng mới đạt 1,65 ha, mọc lan đạt 48,78 ha. Huyện Nguyên Bình, phấn đấu diện tích trồng trúc tăng thêm từ 100 ha trở lên/năm (mở rộng diện tích trúc cả giai đoạn 500 ha), đến năm 2020 duy trì diện tích trúc khai thác trên 1.500 ha. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nguyên Bình Đinh Văn Duyệt, giai đoạn 2015-2020, cây trúc không còn được hỗ trợ từ Nghị quyết số 07 (năm 2012) của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc thông qua chính sách hỗ trợ thực hiện các chương trình dự án thuộc chương trình phát triển sản xuất hàng hoá nông lâm nghiệp giai đoạn 2012-2015, nên khó khăn trong công tác triển khai mở rộng diện tích trồng cây trúc.
Trúc được vận chuyển đến các cở sở sản xuất các sản phẩm từ cây trúc. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN
Trúc được vận chuyển đến các cở sở sản xuất các sản phẩm từ cây trúc.
Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN
Bên cạnh đó, giá cả thu mua trúc không ổn định, một số diện tích trúc không có đường vào khai thác, nên việc mở rộng diện tích trúc cũng đang gặp nhiều khó khăn... Cùng với đó, khó khăn nhất đối với bà con trồng trúc hiện nay là là nguồn cây giống. Do địa hình  phân bố không đồng đều  nên chỗ có đất thì chưa có giống,  chỗ có đất thì thiếu giống. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng có trên 3.500 ha trúc, mỗi năm khai thác trên 150 ha. Cây trúc được trồng tại các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thông Nông, Hòa An..  Đặc điểm của cây trúc sào là thân thẳng, to, tròn đều, mắt ít nối; vỏ thân có màu từ vàng tranh đến xanh thẫm… Có nhiều sản phẩm được chế biến từ cây trúc sào, trong đó có chiếu trúc sào. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lý cho cây trúc sào và chiếu trúc sào tỉnh Cao Bằng.

Chu Hiệu

Có thể bạn quan tâm