Tăng sơ chế, bảo quản nông sản, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch ở Bình Phước

Tăng sơ chế, bảo quản nông sản, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch ở Bình Phước

Hiện nay phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của Bình Phước được bán thô, ít qua sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm. Để nâng cao sức cạnh tranh và giá trị của nông sản thì việc phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch gắn kết với vùng nguyên liệu được xem là sống còn của ngành nông nghiệp.

Tăng sơ chế, bảo quản nông sản, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch ở Bình Phước ảnh 1Phơi hạt điều tại xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước). Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Tại Bình Phước, địa phương được xem là "thủ phủ" của cây điều và cây cao su của cả nước. Hai sản phẩm nông nghiệp này có tỷ lệ sơ chế, bảo quản sau thu hoạch khá cao. Tuy nhiên, các loại nông sản khác, theo UBND tỉnh Bình Phước, hiện có đến 80% sản phẩm được nông dân bán thô, bán tươi ngay tại vườn. Thậm chí đối với cây sầu riêng được các thương lái mua, cắt đồng loạt chỉ đạt độ chín khoảng 70-80% không qua sơ chế, bảo quản, dẫn đến giá trị gia tăng của sản phẩm không cao, không có thương hiệu, nhãn hiệu.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Phước cho biết tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp của tỉnh còn ở mức cao, bình quân khoảng 20%, giá trị thiệt hại khoảng 2.683 tỷ đồng/năm. Trong đó, đối với cây có hạt khoảng 10% tổn thất sau thu hoạch, cây có củ là 10-20% và rau quả tổn thất khoảng 10 - 30%.

"Các hạn chế này thể hiện rõ khi năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường; các tỉnh phía Nam áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch thì việc lưu thông, tiêu thụ nông sản của tỉnh bị ảnh hưởng lớn, các thương lái miền Tây, phía Bắc không trực tiếp vào Bình Phước thu mua nông sản như: Nhãn tại huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, thị xã Bình Long; gia súc, gia cầm và đàn dê, dẫn đến nông sản của tỉnh có lúc bị ùn ứ cục bộ, có lúc giá nông sản xuống rất thấp, thậm chí giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020", UBND tỉnh Bình Phước nhìn nhận.

Để nâng cao giá trị nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành kế hoạch số 354/KH-UBND ngày 30/11/2022 về thực hiện Đề án phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Việc triển khai đề án nhằm phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch; giảm tối đa mức tốn thất sau thu hoạch các loại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các loại cây trồng chủ lực của tỉnh; phát triển thị trường theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

UBND yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm trình diễn trong sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nhằm từng bước thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.

Tiếp tục vận động nông dân tham gia chuỗi giá trị trong từng sản phẩm từ sản xuất - thu hoạch - sơ chế - bảo quản - chế biến đến tiêu dùng. Thực hiện đồng bộ giữa phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung, trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương, mang chỉ dẫn địa lý, chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

UBND tỉnh đưa ra mục tiêu đến năm 2025, trên 50% doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia sơ chế, bảo quản sau thu hoạch đạt trình độ, năng lực công nghệ sản xuất trung bình tiên tiến trở lên. Khoảng 20% sản phẩm nông sản tham gia chuỗi liên kết, gắn sản xuất với sơ chế, bảo quản, chế biến và thị trường, đảm bảo khoảng 20% sản lượng nông sản đủ điều kiện, có nhu cầu được sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Giảm tổn thất sau thu hoạch bình quân còn 19,2%.

Đến năm 2030, trên 60% doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia sơ chế, bảo quản sau thu hoạch đạt trình độ, năng lực công nghệ sản xuất trung bình tiên tiến trở lên. Khoảng 35% sản phẩm nông sản tham gia chuỗi liên kết, gắn sản xuất với sơ chế, bảo quản, chế biến và thị trường và khoảng 30% sản lượng nông sản đủ điều kiện, có nhu cầu được sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Giảm tổn thất sau thu hoạch bình quân còn 18,6%.

Bình Phước là thủ phủ của cây điều và cao su, có diện tích lớn nhất cả nước; trong đó, diện tích cây cao su khoảng hơn 247.000 ha; diện tích cây điều khoảng 141.500 ha.

Riêng cây điều của Bình Phước chiếm hơn 50% diện tích và hơn 50% sản lượng điều của cả nước. Niên vụ 2021 – 2022 kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Bình Phước đạt hơn 1 tỷ USD.

Sỹ Tuyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm