Tăng nguồn lực cho công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk

Sẽ không còn việc du khách cưỡi voi trên hồ Lắk sau khi Đắk Lắk triển khai Dự án "Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi Mô hình du lịch cưỡi voi sang Mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh”. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Sẽ không còn việc du khách cưỡi voi trên hồ Lắk sau khi Đắk Lắk triển khai Dự án "Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi Mô hình du lịch cưỡi voi sang Mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh”. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Ngày 15/11, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt khoản viện trợ đối với dự án “Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi Mô hình du lịch cưỡi voi sang Mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh”.

Tăng nguồn lực cho công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk ảnh 1Sẽ không còn việc du khách cưỡi voi trên hồ Lắk sau khi Đắk Lắk triển khai Dự án "Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi Mô hình du lịch cưỡi voi sang Mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh”. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Tổng giá trị khoản viện trợ hơn 55,45 tỷ đồng, tương đương 2,43 triệu USD; trong đó Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF) viện trợ không hoàn lại gần 50,9 tỷ đồng; vốn đối ứng từ nguồn ngân sách sự nghiệp được bố trí cho Trung tâm Bảo tồn voi, cứu trợ động vật và quản lý bảo vệ rừng hàng năm là hơn 4,56 tỷ đồng. Dự án thực hiện từ tháng 11/2022 đến hết tháng 12/2026, với mục tiêu là triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi, nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà, duy trì và bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Dự án được triển khai tại Ban Quản lý rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường hồ Lắk (huyện Lắk), Vườn Quốc gia Yok Đôn, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng, các công ty du lịch đang hoạt động trên địa bàn huyện Buôn Đôn. Phấn đấu đến hết năm 2026, mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện tại huyện Buôn Đôn và huyện Lắk, thay thế hoàn toàn cho hình thức du lịch cưỡi voi; đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, đảm bảo phúc lợi, kéo dài tuổi thọ; chủ, nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi. Ngoài ra, các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi; thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk; hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi được phổ biến, lan tỏa tới cộng đồng.

UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tiếp nhận, thành lập Ban quản lý dự án để quản lý và tổ chức các hoạt động của khoản viện trợ theo Điều 20 Nghị định 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ về “Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam”. UBND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn voi, cứu trợ động vật và quản lý bảo vệ rừng, phối hợp với các đơn vị có liên quan, nhà tài trợ thực hiện khoản viện trợ theo đúng quy định, đảm bảo mục tiêu, kết quả đề ra; báo cáo khoản viện trợ cho cơ quan chủ quản theo quy định hoặc khi có yêu cầu. UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Tổ chức AAF hỗ trợ kinh phí theo cam kết, trực tiếp quản lý và giám sát nguồn viện trợ; thực hiện tài trợ dự án thông qua các hoạt động cung cấp chuyên gia, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính... cho Trung tâm Bảo tồn voi, cứu trợ động vật và quản lý bảo vệ rừng, các tổ chức, cá nhân tham gia dự án.

Ông Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam cho biết, dự án “Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi Mô hình du lịch cưỡi voi sang Mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” là bước triển khai nội dung biên bản ghi nhớ hợp tác giữa AAF với UBND tỉnh đã được ký kết vào cuối năm 2021. Sau khi dự án được phê duyệt, Tổ chức AAF sẽ triển khai các việc làm cụ thể hơn; rất cần sự vào cuộc, đồng hành của UBND tỉnh để có những chỉ đạo sát sao xuống cơ sở như các bước chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi, quy hoạch khu chăn thả voi, đưa ra những chính sách hỗ trợ để đảm bảo sinh kế cho chủ voi…

Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, hiện nay toàn tỉnh còn 37 cá thể voi nhà, trong đó có 22 cá thể ở huyện Buôn Đôn, 14 cá thể ở huyện Lắk và 1 cá thể ở huyện Krông Ana. Con số này đã giảm mạnh so với đầu những năm 1980, tỉnh Đắk Lắk có 502 cá thể voi nhà.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm