Tăng năng suất, giá trị sản phẩm từ chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận

Tăng năng suất, giá trị sản phẩm từ chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận

Ninh Thuận là tỉnh có tổng đàn cừu lớn nhất nước với gần 117.000 con. Để phát huy thế mạnh này, tỉnh tập trung đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp bền vững để tăng năng suất và giá trị sản phẩm.

Tăng năng suất, giá trị sản phẩm từ chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận ảnh 1 Ninh Thuận tập trung phát triển đàn cừu gắn với quy hoạch vùng đồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Thái Văn Sang ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái có thâm niên nuôi cừu hơn chục năm cho hay, so với các nơi khác trong tỉnh, Phước Trung có khí hậu khắc nghiệt hơn cả, khu vực này vẫn thường gọi là “chảo lửa” do mùa khô ở đây kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, nắng nóng gay gắt làm cho các đồng cỏ tự nhiên đều khô khốc, nguồn thức ăn và nước uống trở nên khan hiếm khiến các hộ chăn nuôi phải rất vất vả tìm kiếm.

Để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, năm 2018 được sự hướng dẫn của cán bộ ngành nông nghiệp, gia đình ông Sang chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng hơn 3.000 m2 cỏ chịu hạn, đồng thời áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm để phát triển nguồn thức ăn thô xanh. Bên cạnh chăn thả ngoài tự nhiên, gia đình kết hợp nuôi cừu vỗ béo bằng cách cho ăn cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp.

Ông Sang chia sẻ, có nguồn thức ăn đầy đủ, cừu nhân đàn nhanh, trung bình một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 1 đến 2 con. Đến nay, gia đình đã gây dựng đàn được hơn 180 con. Nhờ áp dụng phương pháp nuôi cừu vỗ béo, thời gian nuôi được rút ngắn đáng kể, sau khoảng 6 đến 8 tháng nuôi mỗi con đạt trọng lượng từ 20 - 30 kg có thể xuất bán. Mỗi năm xuất bán từ 6 đến 8 đợt cho thương lái, sau khi trừ chi phí gia đình còn lãi trên 120 triệu đồng/năm.

Tại Ninh Thuận, cừu được nuôi tập trung chủ yếu tại các huyện Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc. Theo các hộ nuôi cừu ở địa phương, so với bò, dê, cừu là vật nuôi phù hợp nhất ở vùng bán sa mạc nhờ đặc tính chịu đựng được khí hậu khô nóng và thích nghi với nhiều loại thức ăn. Nuôi cừu chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn, giá cừu trong những năm gần đây khá ổn định, thường dao động ở mức từ 90.000 - 130.000 đồng/kg hơi (tùy trọng lượng, cừu đực hay cái). Nhờ nuôi cừu nhiều hộ đã thoát nghèo, có nguồn thu nhập khá.

Tăng năng suất, giá trị sản phẩm từ chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận ảnh 2Cừu là vật nuôi đặc thù, thích nghi với khí hậu khô nóng của Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Cừu được xác định là vật nuôi đặc thù có nhiều triển vọng để phát triển kinh tế, song nghề chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Áp lực thiếu thức ăn từ tự nhiên đối với vùng chăn nuôi cừu và các gia súc khác trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng do những năm gần đây thời tiết khô hạn kéo dài khiến những đồng cỏ ở địa phương dần trơ trụi và phạm vi đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp để ưu tiên cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội khác.

Rút kinh nghiệm sau những đợt hạn hán, lũ lụt, người chăn nuôi đã bắt đầu trồng cỏ, bổ sung thức ăn tổng hợp để nuôi cừu hướng thịt nhưng cũng còn hạn chế, chủ yếu vẫn phải dựa vào nguồn thức ăn từ tự nhiên. Các hộ chăn nuôi đa phần ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa các cơ sở chăn nuôi với doanh nghiệp, chưa có hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, đơn vị thu mua. Sản phẩm đầu ra phụ thuộc nhiều vào các thương lái nên hiệu quả kinh tế mang lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Tăng năng suất, giá trị sản phẩm từ chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận ảnh 3 Cừu ở vùng chăn nuôi xã Phước Trung (huyện Bác Ái). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Theo ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận, nhằm giúp người chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kinh tế, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với quy hoạch đồng cỏ với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngành ưu tiên ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các loại vật nuôi có lợi thế so sánh như cừu, dê, bò.

Cụ thể, đối với đối tượng vật nuôi thế mạnh là cừu, đơn vị phối hợp các địa phương tập trung tuyên truyền, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cải tạo đàn bằng phương pháp hoán đổi cừu đực giống giữa các hộ chăn nuôi, giữa các địa phương với nhau nhằm tránh nguy cơ đồng huyết. Đồng thời cho lai tạo giống cừu ngoại như cừu Dorper, cừu White Suffolk để đa dạng hóa nguồn gen, góp phần nâng cao chất lượng đàn cừu của địa phương.

Tăng năng suất, giá trị sản phẩm từ chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận ảnh 4Sản phẩm thịt cừu được chế biến đa dạng để cung cấp cho thị trường. Ảnh: Tư liệu – TTXVN

Nhằm hạn chế phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên, ngành nông nghiệp hướng dẫn người chăn nuôi theo mô hình nuôi bán chăn thả, từng bước chuyển từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi tập trung; đẩy mạnh chuyển đổi diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi chất lượng cao, tập huấn kỹ thuật chế biển, ủ thức ăn xanh kết hợp bổ sung thức ăn tinh để phát triển nuôi cừu theo hướng bền vững.

Để nâng cao giá trị kinh tế, Ninh Thuận cũng tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư vào chăn nuôi cừu theo chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, ngành chức năng tăng cường giám sát, phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kết hợp đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người chăn nuôi.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm