Tăng khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp trước biến đổi khí hậu

Tăng khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp trước biến đổi khí hậu

Ngày 6/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã làm việc với Đoàn công tác của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) về dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nông hộ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam”.

Tăng khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp trước biến đổi khí hậu ảnh 1Đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài gây hạn hán trên diện rộng ở Bình Thuận làm điêu đứng cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Đây là đợt hán hán khốc liệt nhất trong 10 năm trở lại đây tại địa bàn Nam Trung bộ này. Ảnh:TTXVN

Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nông hộ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam” được triển khai tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa.

Dự án có thời gian thực hiện 6 năm kể từ khi được phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 33 triệu USD; trong đó, Quỹ Khí hậu xanh (GCF) của Liên hợp quốc tài trợ trên 30 triệu USD vốn không hoàn lại và vốn đối ứng là trên 3 triệu USD.

Mục tiêu của dự án là hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu, cải thiện an ninh nguồn nước và sinh kế, tăng cường kiến thức về rủi ro khí hậu và áp dụng kỹ thuật nông nghiệp có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và tiếp cận thông tin khí hậu nông nghiệp và thông tin thị trường.

Tại Đắk Lắk, dự kiến được đầu tư khoảng 4,5 triệu USD để thực hiện dự án tại 4 huyện gồm: Ea Hleo, Cư Mgar, Ea Kar, Krông Pắc. Khi hoàn thành, sẽ có khoảng 6.000 hộ dân trong vùng dự án được hưởng lợi.

Tại buổi làm việc, bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp quốc đã dự báo tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trong những năm tới, đặc biệt biệt hạn hán, thiếu nước sẽ ảnh hưởng lớn đến các nông hộ nhỏ. Do đó, dự án được triển khai và đưa vào sử dụng sẽ giúp các hộ nông nghiệp quy mô nhỏ yếu thế, bồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được nguồn nước để sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống.

“Theo kế hoạch dự án phải được thực hiện trước thời điểm ngày 4/6/2021, do đó tỉnh Đắk Lắk cần nhanh chóng đề ra lộ trình cụ thể triển khai công tác kiểm tra, hoàn thiện các thủ tục liên quan, trình các cấp Trung ương phê duyệt và triển khai thực hiện”, bà Sitara Syed nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, đối với tỉnh Đắk Lắk, nông nghiệp là kinh tế chủ lực tại địa phương, do đó, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nông hộ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam” được triển khai tại tỉnh Đắk Lắk sẽ giúp tăng khả năng thích ứng của ngành nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

“Tỉnh Đắk Lắk cũng giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trụ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và chính quyền các địa phương trong vùng dự án nhanh chóng hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục cần thiết để dự án được phê duyệt và triển khai thực hiện. Tỉnh Đắk Lắk cũng cam kết đáp ứng mọi yêu cầu của dự án đề ra để dự án được sớm triển khai trong thời gian tới”, ông Phạm Ngọc Nghị khẳng định.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm