Tăng giá dịch vụ y tế phải đi cùng với chất lượng

Tăng giá dịch vụ y tế phải đi cùng với chất lượng
Tăng giá khám, chữa bệnh Giờ khám buổi sáng tại bệnh viện Nội tiết Trung ương cơ sở 2 Thanh Trì, Hà Nội, lượng bệnh nhân ở khu vực nhà thuốc khá đông, nhiều bệnh nhân ngồi chờ lấy thuốc sôi nổi bàn tán về tiền khám, chữa bệnh tháng này đã tăng hơn so với tháng trước. 
Tăng giá dịch vụ y tế phải đi cùng với chất lượng ảnh 1
Chất lượng phục vụ sẽ được nâng lên khi giá dịch vụ tăng lên. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Mục tiêu của tăng giá dịch vụ y tế là hướng tới thị trường y tế minh bạch, có sự cạnh tranh, với kỳ vọng chất lượng y tế sẽ tăng. Nói cách khác, bệnh viện muốn tăng nguồn thu thì phải có nhiều bệnh nhân; chất lượng bệnh viện phải tốt lên mới có “khách hàng”.
Bị mắc bệnh tiểu đường, phải đi khám định, kỳ hàng tháng, bà Đinh Thị Tỵ, quê ở Ninh Bình đang xem hóa đơn cho biết: Tổng số tiền tôi phải chi trả gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và tiền khám, mua thuốc là gần 79.000 đồng, so với tháng trước cũng khám tương tự đã tăng thêm 10.000 đồng. Khám bệnh đúng tuyến, lại được đóng BHYT theo diện chính sách nên tôi chỉ phải trả 5% số tiền khám, vì vậy dù có tăng giá khám chữa bệnh, nhưng số tiền phải đóng thêm cũng không đáng kể”. Khác với bà Tỵ, ông Dương Văn Viễn, ở Xa La, Hà Đông cũng mắc bệnh tiểu đường, chưa kịp mua BHYT nên 3 tháng nay ông phải “cắn răng” khám dịch vụ. Ông Viễn cho biết, ngoài phí khám, hàng tháng ông phải xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu. “Tính theo mức tăng mới thì tháng này tôi phải trả gần 1,3 triệu đồng, trong khi tháng trước là 1,1 triệu đồng, tăng thêm 200.000 đồng. Đấy là mới chỉ làm các xét nghiệm cơ bản, nếu phải chụp, chiếu thì chi phí còn cao nữa”. Đợt tăng viện phí lần này, tuy được đánh giá là có lợi cho những người đã đóng BHYT, ít ảnh hưởng đến những người được BHYT chi trả 100% hoặc chỉ phải đồng chi trả 5%, nhưng với những người phải đồng chi trả ở mức cao 20%, nhất là những người chưa tham gia BHYT thì tăng phí dịch vụ y tế đúng là tăng thêm nỗi lo chi phí cùng với nỗi lo bệnh tật. Chất lượng sẽ phải tăng Cùng với việc tăng giá dịch vụ, hầu hết người dân đều mong muốn phải tăng chất lượng khám, chữa bệnh cho xứng đáng. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều bệnh nhân, chưa thấy rõ việc nâng cao chất lượng phục vụ tại các bệnh viện sau khi tăng giá dịch vụ. Chị Nguyễn Thị Đích, (ở Quảng Ninh), đang điều trị ung thư trực tràng ở bệnh viện K, cơ sở 2 Tân Triều (Hà Nội) phàn nàn: “Vẫn phải nằm ghép 3 - 4 người/giường bệnh, thậm chí không có giường nằm, chúng tôi còn phải ra ngoài thuê phòng trọ chờ giường mới được điều trị. Thái độ y tá, bác sĩ thì cũng vẫn để bệnh nhân phải phàn nàn nhiều. Khi tăng viện phí, các bệnh viện đều hô hào sẽ tăng chất lượng, nhưng không biết đến bao giờ mới thực hiện được”. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết: Nếu đặt vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ trước khi tăng giá dịch vụ y tế thì rất khó thực hiện, vì nguồn tài chính của các bệnh viện hiện nay phần lớn là ngân sách nhà nước, trong khi đó ngân sách còn chưa đảm bảo đủ tiền lương cho cán bộ y tế, nhiều hoạt động của bệnh viện đều trông chờ vào người bệnh và BHYT chi trả. Vì thế, hai vấn đề này phải được thực hiện song song từng bước một, vừa điều chỉnh giá vừa nâng cao chất lượng. Trên cơ sở nâng cao chất lượng, các cơ sở sẽ thu hút được người bệnh đến và từ đó có nguồn thu để mà nâng cao chất lượng phục vụ. Cũng theo ông Liên, để tăng chất lượng phục vụ cần có sự đồng đều giữa các tuyến. Nhiều bệnh nhân chia sẻ rằng họ muốn lên bệnh viện tuyến trên vì có nhiều thuốc tốt, mà những bệnh viện tuyến dưới không có. Cùng với điều chỉnh giá dịch vụ, thời gian tới, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội phải tính toán để tăng lượng thuốc và vật tư cho các bệnh viện tuyến dưới để họ có điều kiện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tốt hơn.  “Chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể để các cơ sở khám bệnh thực hiện những giải pháp đảm bảo chất lượng, trước hết là đảm bảo việc cung cấp chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho những người có thẻ BHYT theo đúng năng lực, không phân biệt giữa bệnh viện công- tư, không phân biệt giữa bệnh viện Trung ương và địa phương, miễn là đủ chất lượng, đủ số lượng bàn khám thì sẽ được tiếp nhận thẻ đăng ký ban đầu. Đồng thời sẽ rà soát lại toàn bộ cơ sở y tế để đảm bảo rằng giá được chính thức đưa vào thực tiễn sẽ đảm bảo được quyền lợi cao nhất cho người bệnh. Đó là người dân không phải chi trả những chi phí mà đáng lẽ họ phải được thụ hưởng”, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm