Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Bài 2)

Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Bài 2)
Để cộng đồng hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã thực hiện loạt bài nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6) với chủ đề “Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm” đi sâu phân tích thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng; chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và hoạt động tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Bài 2: Giải pháp đồng bộ phòng chống thiếu vi chất
dinh dưỡng
 
Tin liên quan:
Bài 1: Thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng


Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, so với các nước trong khu   vực và trên thế giới, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở   nước ta vẫn khá cao, tập trung nhiều nhất ở vùng nông thôn và miền núi khó khăn. Nguyên nhân chính là do chế độ ăn của người dân chưa đáp ứng được nhu cầu vi chất dinh dưỡng của cơ thể. Vì vậy, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
Nhân viên y tế cân, đo kiểm tra sức khỏe và cho trẻ uống Vitammin A trạm y tế phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN.
Nhân viên y tế cân, đo kiểm tra sức khỏe và cho trẻ uống Vitammin A trạm y tế phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN.

Ăn đa dạng để tránh thiếu vi chất

Thạc sỹ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết: Điều tra toàn quốc về tình hình tiêu thụ lương thực, thực phẩm năm 2010 của Viện cho thấy bữa ăn của người dân Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu vi chất dinh dưỡng của cơ thể. Khẩu phần ăn của người dân ở nông thôn mới đáp ứng được 23% nhu cầu vitamin A; 79% nhu cầu sắt và 56% nhu cầu kẽm. Tại thành phố, khẩu phẩn ăn của người dân mới đáp ứng được 35% nhu cầu vitamin A; 76% nhu cầu sắt và 57% nhu cầu kẽm.

Ngay cả với trẻ em từ 2-5 tuổi là đối tượng thường được ưu tiên thức ăn trong bữa ăn gia đình thì mức đáp ứng nhu cầu các vi chất dinh dưỡng cũng không đủ cho nhu cầu của cơ thể. Khẩu phần ăn của trẻ từ 2-5 tuổi đã đáp ứng được 95% nhu cầu năng lượng nhưng mới đáp ứng được 57% nhu cầu sắt và 65% nhu cầu vitamin A. Như vậy, sự có mặt của năng lượng trong khẩu phần không đồng nghĩa với việc có đủ các vi chất dinh dưỡng.

Nguyên nhân chính của thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là do khẩu phẩn ăn của người Việt Nam hiện vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu các thức ăn động vật là nguồn cung cấp vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao. Khẩu phần ăn không đáp ứng đủ nhu cầu vi chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (như: vitamin A, sắt, kẽm, i-ốt) trầm trọng tới mức trở thành một vấn đề của sức khỏe cộng đồng, nhất là ở nhóm các đối tượng có nguy cơ cao…

Thạc sỹ Trần Khánh Vân nhấn mạnh: Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các gia đình nên ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng; cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

Bữa ăn của trẻ nên có những thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D; cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A. Trẻ từ 24-60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm; thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun. Phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai nên uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn. Đặc biệt, ngày 1-2/6, các gia đình hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A tại các điểm uống ở xã, phường.

Cuộc chiến bền bỉ

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt đối với cơ thể, rất nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như hiện tượng mù lòa ở trẻ em liên quan đến thiếu vitamin A; thiếu máu do thiếu sắt; đần độn kém phát triển trí tuệ do thiếu i - ốt. Bên cạnh đó, can thiệp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là can thiệp trong 1.000 ngày đầu đời là một trong những giải pháp quan trọng nhất để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi, cải thiện tình trạng bệnh tật và tử vong ở trẻ em.

Với mục tiêu không ngừng cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của người dân đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, Chính phủ đã phê duyệt hệ thống các văn bản chỉ đạo và các đề án can thiệp đã được như: Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng, Nghị định quy định về tăng cường vi chất vào thực phẩm, Đề án tổng thể nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Theo đó, Việt Nam quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu quan trọng về dinh dưỡng như: Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em giảm xuống dưới 21,5%; trẻ bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng xuống dưới 8%; thiếu máu ở phụ nữ mang thai xuống dưới 23%, thiếu máu ở trẻ em xuống dưới 15% và thể lực và tầm vóc người Việt Nam được cải thiện.

Viện Dinh dưỡng quốc gia nêu rõ: Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là cuộc chiến bền bỉ để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân Việt Nam. Vì vậy, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020. Đảm bảo khẩu phần ăn của người dân đủ vi chất dinh dưỡng là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu đề án “Nâng cao tầm vóc người Việt Nam” của Chính phủ.

Chiến lượng phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng hiện nay ở nước ta đã kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp như: Bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng đường uống bổ sung, tăng cường vi chất dinh dưỡng và thực phẩm, đa dạng hóa bữa ăn nhằm cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng. Trong đó, giải pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng là một giải pháp quan trọng, cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Giải pháp đa dạng hóa bữa ăn và tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là biện pháp lâu dài và bền vững.

Thời gian qua, chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng đã được triển khai với nhiều giải pháp hiệu quả như: Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng nguy cơ cao; tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm; đa dạng hóa bữa ăn... Nhờ vậy hàng năm, gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi trên cả nước đã được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi ở 63 tỉnh, thành phố; trẻ từ 37-60 tháng tuổi ở 22 tỉnh khó khăn mỗi năm 2 lần; bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống 1 liều vitamin A. Đặc biệt, hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã trong toàn quốc.

Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội và mức thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam hiện nay thì việc bổ sung đủ vi chất dinh dưỡng trong khẩu phần thông qua giải pháp đa dạng hó bữa ăn sẽ khó đạt được trong thời gian ngắn. Hoạt động bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng đường uống cũng cần nguồn kinh phí lớn từ Nhà nước cho ngành y tế và không thuận tiện cho mọi người dân. Chính vì vậy, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm thiết yếu hiện này giải pháp hiệu quả nhất.
Thu Phương
TTXVN

Có thể bạn quan tâm