Tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất

Tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất
Lãnh đạo đại học Huế trao quà lưu niệm cho các giáo sư đến từ các trường đại học của Đài Loan. Ảnh: Tường Vi - TTXVN
 Lãnh đạo đại học Huế trao quà lưu niệm cho các giáo sư đến từ các trường đại học của Đài Loan. Ảnh: Tường Vi - TTXVN
Hội thảo thu hút hơn 30 báo cáo khoa học, bao gồm các công trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực nông nghiệp, y dược, thực phẩm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, có nhiều công trình nghiên cứu lần đầu tiên được giới thiệu. Điển hình là nhiều công trình của các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học của Đài Loan (Trung Quốc) gồm: "Kỹ thuật mới trong tinh sạch Protein" của Giáo sư Yu Kaung Chang, Đại học Công nghệ Minh Chi; "Sản xuất đồng phân quang học của axit lactic từ Escherichia coli đường ruột" của Giáo sư Wen Chien Lee, Đại học Quốc gia Chung Cheng; "Cơ chế hoạt động và ứng dụng của SIRNA trong điều trị bệnh hen suyễn" của Giáo sư Chao Lin Liu, Đại học Công nghệ Minh Chi. Các nhà nghiên cứu của Việt Nam cũng có nhiều công trình nghiên cứu mới như: "Phát triển Vaccines có nguồn gốc thực vật sử dụng hệ thống biểu hiện nhanh" của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huy, Trường Đại học Sư phạm Huế; "Nghiên cứu phân lập, tính chất và tiềm năng biệt hóa thành tế bào tim của tế bào gốc phôi thai tim" của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trường Đại học Y Dược Huế...
Đại diện trường Đại học Quốc gia Chung Cheng (Đài Loan) trao quà lưu niệm cho đại học Huế. Ảnh: Tường Vi - TTXVN
Đại diện trường Đại học Quốc gia Chung Cheng (Đài Loan) trao quà lưu niệm cho đại học Huế. Ảnh: Tường Vi - TTXVN
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học đang diễn ra mạnh mẽ ở các trường đại học, viện nghiên cứu với hàng ngàn sản phẩm được chuyển giao và ứng dụng góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất. Tuy nhiên, việc chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các nghiên cứu mới chỉ tập trung vào chuyên môn sâu và chuyên ngành hẹp, còn thiếu kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, nhiều sản phẩm nghiên cứu hữu ích, có giá trị thực tiễn cao nhưng không tìm được địa chỉ chuyển giao... Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Huế cho biết, hiện nay các cơ sở giáo dục đại học đang tiến dần đến cơ chế tự chủ đại học, nên nghiên cứu khoa học phải được thực hiện tự chủ đầu tiên. Vì vậy, việc thương mại hóa các sản phẩm, kết quả nghiên cứu khoa học là rất quan trọng để tạo ra nguồn thu cho các trường, viện khi thực hiện tự chủ. Để ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, cần có sự bắt tay giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, đây là con đường tốt nhất để thương mại hóa sản phẩm, vừa là cách để đưa các công trình khoa học vào cuộc sống. Phía các nhà khoa học cũng cần xác định định hướng nghiên cứu của bản thân để vừa phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, vừa phù hợp với thực tiễn. Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội tìm hiểu, học hỏi, hợp tác, chuyển giao và tìm ra những hướng đi để đưa các sản phẩm nghiên cứu đến với thị trường; đồng thời là dịp để các nhà khoa học trẻ học tập và định hướng cho sự phát triển nghiên cứu trong tương lai.
Tường Vi

Có thể bạn quan tâm