Với khoảng 500-600 thai phụ tới khám thai mỗi ngày, từ tháng 4/2016, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương đã chính thức áp dụng các biện pháp tư vấn, tầm soát cho thai phụ theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Bác sỹ Nguyễn Vũ Mỹ Linh, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện phụ sản Hùng Vương cho biết, ngoài tư vấn cho các thai phụ ngay tại phòng khám thai định kỳ, trong các lớp tiền sản tổ chức vào sáng thứ 2, 4, 6 hàng tuần, các bác sỹ cũng truyền thông sâu cho thai phụ các kiến thức về bệnh do vi rút Zika.
Ngoài ra, Bệnh viện còn phát các tờ rơi, tư vấn cho người thân đưa thai phụ đến khám, về các biện pháp phòng tránh lây nhiễm vi rút Zika. Trẻ mới sinh tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương cũng được đo vòng đầu để tìm ra các trường hợp mắc dị tật đầu nhỏ nếu có.
![]() |
Tư vấn cho phụ nữ mang thai về bệnh do virus Zika và cách phòng ngừa bệnh tại Khoa chăm sóc trước sinh Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Những ngày gần đây, Bệnh viện phụ sản Từ Dũ cũng thực hiện chương trình tư vấn, tầm soát bệnh do vi rút Zika cho thai phụ. Theo bác sỹ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, thời gian gần đây số lượng thai phụ chủ động hỏi về vi rút Zika nhiều hơn, trung bình cứ 5 thai phụ thì có 1 người hỏi về vi rút Zika. “Chúng tôi tư vấn cho thai phụ về các triệu chứng nhiễm vi rút Zika cũng như các tác hại và cách phòng tránh. Mỗi khi gặp các thai phụ có dấu hiệu nghi ngờ, chúng tôi đều lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm và tư vấn các kiến thức cần thiết”, bác sỹ Hải cho biết.
![]() |
Siêu âm tầm soát cho thai phụ tại Khoa chăm sóc trước sinh Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo phụ nữ chuẩn bị mang thai và trong 3 tháng đầu thai kỳ không nên đi đến vùng có dịch và sử dụng các biện pháp phòng muỗi đốt. Do vi rút Zika có thể lây qua đường tình dục nên đối với nam giới, khi quyết định có con cần tiến hành tầm soát, nếu mắc Zika phải sau 6 tháng mới có thể mang thai./.