Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo

Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo

Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, Hải đảo giai đoạn 2017-2021” do Bộ Quốc phòng tổ chức đã diễn ra sáng 12/1, tại Hà Nội.

Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo ảnh 1Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát biểu tại hội nghị. Ảnh: qdnd.vn

Tại Hội nghị, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án nhấn mạnh, đây là một trong 7 đề án theo Quyết định số 1133/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Sau khi kết thúc năm 2016, căn cứ hiệu quả của Đề án và đề xuất của Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tiếp tục thực hiện giai đoạn 2017-2021.

Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với công tác này, nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới hải đảo của Tổ quốc - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương nêu rõ.

Khẳng định về tổng thể, Đề án hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ, cán bộ và nhân dân vùng biên giới hải đảo, Thứ trưởng Võ Minh Lương chỉ rõ: Có nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới phức tạp hơn, thách thức hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói riêng. Vì vậy, thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là tiếp tục quán triệt, triển khai có chiều sâu và phát huy hiệu quả các đề án mà Chính phủ đã phê duyệt. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh các hoạt động hiệu quả, thực chất nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân vùng biên giới hải đảo; tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và từng cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo ảnh 2Các chiến sĩ tuần tra trên đảo An Bang (Khánh Hòa). Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Từ những kết quả đã đạt được của Đề án, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì hoạt động, củng cố nền tảng đã xây dựng để đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật thành nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở vùng biên giới hải đảo và từng bước nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả...

Báo cáo tại Hội nghị cũng cho thấy, qua 5 năm triển khai thực hiện, Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021” đã được các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương vùng biên giới, hải đảo ghi nhận, đánh giá đạt hiệu quả cao. Hoạt động tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã thực sự trở thành cầu nối, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp cho mọi tổ chức, cá nhân hiểu biết đúng các quy định, tính nghiêm minh của pháp luật để chấp hành nghiêm túc. Tỷ lệ vi phạm pháp luật hằng năm giảm, năm sau thấp hơn năm trước; một số địa phương giảm rõ rệt, tiêu biểu như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Tiền Giang, Bạc Liêu...

Hiệu quả của Đề án có ý nghĩa chính trị sâu sắc, củng cố vững chắc niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ; khẳng định và lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ, nhân dân vùng biên giới hải đảo; góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, kiềm chế tội phạm. Các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trái phép, tình trạng di, dịch cư tự do và khiếu nại vượt cấp ở nhiều địa phương giảm nhiều so với giai đoạn trước.

Đặc biệt, ý thức quốc gia, chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, trách nhiệm tố giác tội phạm của nhân dân được nâng lên. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Diện mạo vùng biên giới hải đảo có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân được củng cố, xây dựng vững mạnh. Tiêu biểu trong triển khai thực hiện Đề án là các tỉnh Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bình Định, Đắk Lắk...

Hạnh Quỳnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm