Tăng cường hợp tác thuận lợi hoá trung chuyển và thương mại

Tăng cường hợp tác thuận lợi hoá trung chuyển và thương mại
Thúc đẩy sự tiến bộ khoa học kỹ thuật 

Tại phiên họp, các đại biểu đã tiến hành thảo luận với hai nội dung chính về các biện pháp tăng cường hợp tác giữa các nước không có biển và các nước trung chuyển để thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, với trọng tâm là các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); thảo luận về vai trò quan trọng của vận tải để đạt được các mục tiêu SDGs tại các nước không có biển.
 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và các đại biểu chụp ảnh chung. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh
và các đại biểu chụp ảnh chung. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN

Ông Macharia Kamau, Đặc phái viên về thực hiện Nghị sự Phát triển bền vững và Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cho rằng: Cần phải có những sự đổi mới thực sự cấp tiến để nhân dân trên khắp thế giới sớm được thụ hưởng sự tiến bộ; đồng thời để duy trì tốt cuộc sống trên hành tinh bởi các nước đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ về biến đổi khí hậu và khó khăn trong bảo vệ đa dạng sinh thái trong hiện tại và tương lai. Tạo ra sự thịnh vượng lớn hơn trên thế giới là cách tốt nhất để không phải đối mặt với bất ổn và thách thức về nghèo đói, bệnh tật… 

Với tư cách là thành viên trong một gia đình toàn cầu, các nước cần tổ chức lại và có trách nhiệm giải trình trước một hệ thống mục tiêu và hệ thống chỉ số. Các quốc gia không có biển không có nghĩa là sẽ không tiếp cận được với sự thịnh vượng và tiến bộ. 

Các nước này nên coi đó như một lợi thế để có động lực thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật để vẫn nằm trong dòng chảy của phát triển và được thụ hưởng sự tiến bộ, hội nhập ngang bằng với các quốc gia khác. Ngoài ra, các quốc gia cũng có thể tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tư nhân, các thành tựu đạt được về cơ sở hạ tầng và sáng tạo. 

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Nguyễn Lệ Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia thực hiện tốt về xoá đói giảm nghèo. Tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 4% (năm 2015). 

Tỷ lệ hộ đói giảm đáng kể trong 15 năm vừa qua, đói dai dẳng như một hiện tượng đã bị xoá bỏ hoàn toàn… Song Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức như: Thay đổi lớn của xã hội về nhân chủng học trong đó có nhập cư; việc giảm ODA đã gây khó khăn đáng kể trong đầu tư tài chính của nhà nước; biến đổi khí hậu đã ngày càng trở nên đáng kể, tài nguyên thiên nhiên giảm, ô nhiễm môi trường trên đà tăng tiến; bộ khung về thể chế để theo dõi mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và bộ máy rà soát vẫn đang yếu ... 

Cũng theo bà Nguyễn Lệ Thuỷ, trong thời gian tiếp theo, Việt Nam hướng tới việc cải thiện thể chế để phát triển bền vững, chuẩn bị chương trình hành động cho từng bộ, ban , ngành, lĩnh vực; tăng cường các hoạt động giáo dục đào tạo để tăng sự hiểu biết của ng ười dân về các mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường khả năng giám sát của các cơ quan chức năng… 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và sử dụng tất cả các nguồn lực trong nước và quốc tế, thu thập thông tin, tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật; đảm bảo sự tham gia tích cực vào cộng đồng quốc tế để giải quyết các thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu, theo dõi tiến trình, xây dựng các tiêu chí và cơ sở dữ liệu; khuyến khích hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học…

Hợp tác thuận lợi hoá trung chuyển, thương mại 
 
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm, thách thức, cơ hội và những vấn đề thực tiễn trong tiến hành hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng trung chuyển, phát triển các hành lang trung chuyển và kiến nghị các giải pháp tăng cường hợp tác. 

Đại sứ Michael B.Christides, Tổng Thư ký Ban thư ký quốc tế thường trực của Cơ quan Hợp tác kinh tế Biển Đen nhấn mạnh: Các quốc gia cần nhận thức rõ tầm quan trọng của các hoạt động giao thông vận tải và thuận lợi hoá thương mại để có thể kết nối không chỉ giữa các khu vực mà còn giữa các châu lục, đặc biệt cần thúc đẩy sự kết nối rộng lớn, mạnh mẽ hơn giữa hai khu vực Á - Âu. 

Ông Michael B.Christides cho biết, một trong những dự án thí điểm mà Cơ quan Hợp tác kinh tế Biển Đen đang tiến hành là điều phối để thiết lập mạng lưới đường cao tốc ở khu vực biển Đen nhằm kết nối thủ đô của các nước thành viên. Hoạt động thiết lập này sẽ tạo nên đóng góp to lớn không chỉ cho các quốc gia thành viên mà với cả các quốc gia khác trên thế giới. 

Ngoài việc xây dựng mới, khuôn khổ của hoạt động này còn bao gồm việc nâng cấp những tuyến đường bộ hiện có để đạt được tiêu chuẩn châu Âu. Điều cần thiết hiện nay là phải có những nghiên cứu khả thi cụ thể về cấu phần của mạng lưới đường cao tốc này để huy động nguồn vốn từ các bên có liên quan và các tổ chức tài chính quốc tế được nhanh chóng và thuận lợi. 

Không chỉ dừng lại ở việc tập trung nâng cấp các tuyến đường khu vực Biển Đen, một dự án khác với nội dung nâng cấp các tuyến đường biển của cả khu vực Địa Trung Hải và Bắc Cực cũng đang được nghiên cứu triển khai để hướng tới chuyển lưu lượng vận tải đường bộ sang đường biển nhằm tiết kiệm chi phí hơn. 

Cải thiện thủ tục kiểm soát biên giới để tăng khả năng cạnh tranh trong các hoạt động xuất nhập khẩu, hợp tác trong việc tinh giản, hài hoà các thủ tục đặc biệt là các thủ tục liên quan đến hải quan và kiểm soát biên giới… cũng là các biện pháp nên tăng cường trong việc xây dựng chiến lược về thuận lợi hoá thương mại, thúc đẩy hợp tác. 

Ông MirceaCiopraga, Tổng Thư ký, Ban Thư ký thường trực, Uỷ ban liên Chính phủ Hành lang vận tải Âu - Cáp ca - Á (TRACECA) chia sẻ: Những nguồn vốn công không đủ để thoả mãn các dự án, vì vậy TRACECA đã kêu gọi sự hợp tác của tư nhân. 

Mô hình đối tác công - tư trở thành mô hình mới và phát huy hiệu quả. Sự cải thiện hạ tầng vận tải trong hành lang TRACECA diễn ra song song với việc thực hiện biện pháp lưu chuyển thông suốt hàng hóa và con người; áp dụng những chương trình công nghệ thông tin trong giao thông vận tải. 

Mục tiêu của hệ thống vận tải trong TRACECA là bỏ đi giới hạn, rào cản ảnh hưởng tới ngành dịch vụ, vận tải. Ông MirceaCiopraga đã đưa ra khuyến nghị nhằm thúc đẩy và giảm quá trình vận tải thông quan, đó là triển khai hiệu quả các thỏa thuận quốc tế để thực hiện vận tải quốc tế thông suốt.

Có thể bạn quan tâm