Tăng cường giám sát hoạt động khám chữa bệnh cho người lao động

Tăng cường giám sát hoạt động khám chữa bệnh cho người lao động
Tổng số người lao động được khám sức khỏe định kỳ từ năm 2011 - 2017 đã tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Trung bình mỗi năm, khoảng 100.000 người lao động đã được khám và trên 5.000 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp đã được phát hiện. Năm 2017, 42 tỉnh, thành phố đã tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
Điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân bằng phương pháp ánh sáng trị liệu. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân bằng phương pháp ánh sáng trị liệu. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Trong giai đoạn 2011 - 2017, trên 2 triệu mẫu quan trắc môi trường lao động được thực hiện. Đặc biệt, có tới 80 - 90% số cơ sở lao động chưa thực hiện quy định về quan trắc môi trường lao động hoặc thực hiện không đầy đủ đối với các yếu tố có hại, có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp. Toàn quốc đã có 218 đơn vị công bố đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường lao động. Cục Quản lý môi trường y tế nêu rõ, hầu hết các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe định kỳ hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc phân loại sức khỏe và phát hiện một số bệnh thông thường. Việc này cũng chỉ được thực hiện ở một số ít doanh nghiệp, chưa có cơ chế triển khai đối với khu vực lao động làm việc không có hợp đồng lao động. Trước tình hình trên, Cục Quản lý môi trường y tế đã xây dựng khung đào tạo cho cán bộ y tế lao động tại doanh nghiệp; phối hợp với các bộ, ngành tổ chức phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn cho 1.000 cán bộ y tế ngành công thương, đường sắt, các tỉnh, bệnh viện, trường đại học; xây dựng tài liệu hướng dẫn kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Thời gian tới, Cục Quản lý môi trường y tế sẽ triển khai thí điểm mô hình phòng ngừa bệnh liên quan đến nghề nghiệp đặc thù trong khu vực phi kết cấu, khu vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp để tăng tỷ lệ người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và doanh nghiệp được quan trắc môi trường lao động. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ có trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 70% doanh nghiệp lớn, 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động. Cục Quản lý môi trường y tế tăng cường giám sát hoạt động khám chữa bệnh cho người lao động, nâng cao năng lực sơ cứu, cấp cứu tai nạn thương tích tại nơi làm việc.

Thu Phương 

Có thể bạn quan tâm