Tận dụng cơ hội từ giá dầu giảm

Tận dụng cơ hội từ giá dầu giảm
Nhiều ngành kinh tế được hưởng lợi
Giá dầu giảm liên tiếp trong thời gian gần đây khiến ngư dân rất phấn khởi. “Xăng dầu chiếm chi phí lớn nhất trong mỗi chuyến đi biển. Vì vậy, giá xăng dầu giảm đồng nghĩa với ngư dân chúng tôi giảm được chi phí, tăng được lợi nhuận từ mỗi chuyến ra khơi”, anh Bùi Văn Lương quê ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết.
Anh Bùi Văn Lương đánh bắt ở ngư trường vịnh Bắc Bộ đã hơn 10 năm nay. Theo tính toán của anh Lương, với con tàu công suất 550 CV, mỗi chuyến đi biển 6 - 7 ngày tiêu tốn khoảng 2.500 lít dầu. Với mỗi tháng đi biển 3 lần thì tổng số dầu tiêu tốn là 7.500 lít. “Với giá dầu giảm mạnh như hiện nay, chi phí tiền dầu đi biển mỗi tháng là gần 80 triệu đồng, giảm được từ 55 - 60 triệu đồng so với những tháng đầu năm 2015”, anh Lương cho biết.
Tận dụng cơ hội từ giá dầu giảm ảnh 1
Giá xăng dầu giảm giúp ngư dân có thêm lợi nhuận từ những chuyến đi biển.
Tương tự, nông dân cũng được hưởng lợi do giá phân bón giảm mạnh theo giá dầu. Hiện giá bán đạm Phú Mỹ (sản phẩm của Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí - PVFCCo) cho các đại lý ở mức 6.100 đồng/kg (tới tay nông dân vào khoảng 7.000 đồng/kg), giảm khoảng 1.500 đồng/kg so với giá trung bình năm 2015. Tương tự, giá bán phân đạm của nhà máy đạm Cà Mau, Ninh Bình, Hà Bắc cũng giảm khá mạnh so với trước, dao động ở mức 5.800 - 6.100 đồng/kg...
Ông Dương Trí Hội, Phó Tổng giám đốc phụ trách bán hàng Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) cho biết, trong sản xuất phân urê, giá khí chiếm gần 70% giá thành, do đó giá thành sản xuất phân bón cũng giảm mạnh khi giá dầu thô trên thế giới giảm. Nếu giá dầu thô tiếp tục giảm thì giá phân bón trong nước sẽ còn giảm thời gian tới.
Theo báo cáo của Nhóm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) đánh giá tác động của giá dầu thế giới đến Việt Nam: Chi phí nhập khẩu xăng dầu các loại giảm đem lại lợi ích nhiều nhất cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh vận tải vì đây là lĩnh vực tiêu thụ xăng dầu nhiều nhất. Giá cước vận tải giảm cũng làm giảm chi phí đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực. Các lĩnh vực khác như sản xuất phân bón, nhựa, đánh bắt thủy hải sản cũng được hưởng lợi khi xăng dầu chiếm đến 20 - 30% chi phí đầu vào của những ngành này. Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, giá xăng dầu giảm còn giúp các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu cho việc đi lại hàng ngày và được hưởng lợi kép khi giá cả hàng hóa tiêu dùng giảm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để các doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế, nhất là doanh nghiệp vận tải giảm giá thì chúng ta không có một hệ thống quản lý giá thật tốt. “Thật ra, nhiều người hay kêu về sự can thiệp của Nhà nước vào giá cả, nhưng đối với giá cước lại rất cần sự ra tay của Nhà nước. Giám sát thị trường là phải có biện pháp điều tiết mang tính hành chính. Biện pháp đó phải công tâm để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng năng lượng. Chế tài của Nhà nước phải đủ mạnh để bảo vệ lợi ích thị trường”, Chuyên gia kinh tế TS Trần Đình Thiên lưu ý.
Có kịch bản ứng phó với giá dầu thấp
Liên quan đến giá dầu giảm, vấn đề hụt thu ngân sách luôn được quan tâm. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây không hẳn là yếu tố quá nguy hại vì tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của bán dầu thô đã giảm mạnh từ 27% vào năm 1996 xuống còn 11% vào năm 2014 và 6% vào năm 2015.
Với giá dầu thế giới dự báo giảm sâu, đối với kịch bản thu chi ngân sách năm 2016, Bộ Tài chính đã xây dựng các phương án rất cụ thể, không chỉ là những kịch bản cho giá dầu ở mức 50, 45 và cả 35 USD/thùng, thậm chí 30 USD/thùng cũng đã được tính toán đến.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Thu từ dầu thô đã không còn là nguồn có tỉ trọng lớn như 5 - 10 năm trước. Hơn nữa, để bù đắp số thu từ dầu thô, Bộ Tài chính cho hay sẽ phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu mức cao nhất”.
Bộ Công Thương cũng đang theo dõi sát giá dầu để chỉ đạo ngành dầu khí có ứng phó kịp thời. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cần có sự chủ động cập nhật tình hình diễn biến giá dầu trên thế giới và thường xuyên báo cáo Chính phủ cũng như Bộ Công Thương để từng bước tháo gỡ khó khăn và hoàn thành kế hoạch được giao.
Trong một cuộc họp mới đây tại Bộ Công Thương, lãnh đạo PVN một số công ty trực thuộc tập đoàn đang lỗ do giá dầu giảm mạnh. Lãnh đạo ngành dầu khí cũng cho biết rằng: PVN đã đề ra các giải pháp để ứng phó trước khả năng giá dầu giảm mạnh hơn, trong đó nhấn mạnh PVN sẽ hoàn thành đúng tiến độ các dự án đang triển khai không để chậm tiến độ khiến phát sinh thêm chi phí, tăng tối đa sản xuất chế biến các sản phẩm thế mạnh của tập đoàn như xăng dầu, sản xuất điện, đạm để bù đắp doanh thu. Đặc biệt, PVN đã có kế hoạch cắt giảm các chi phí 10- 20% ở tập đoàn và các đơn vị thành viên tập đoàn... Nếu giá dầu xuống dưới 30 USD/thùng, PVN sẽ có kế hoạch tạm dừng, giãn một số mỏ khai thác để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm