Tâm tình với người thổi hồn vào đất

Tâm tình với người thổi hồn vào đất

Là hậu duệ đời thứ 15 trong dòng họ có truyền thống làm nghề gốm sứ ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), từ nhỏ bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh đã đam mê những nét tinh hoa của làng gốm quê mình. Niềm đam mê ấy cứ theo năm tháng lớn lên cùng bà để rồi nung nấu trở thành quyết tâm đưa sản phẩm Bát Tràng ra thế giới. Đặc biệt, dịch COVID-19 khiến các khách hàng của Quang Vinh giãn đơn, hủy đơn hàng nhưng với gốm sứ Quang Vinh đây lại là giai đoạn nghỉ ngơi để chuẩn hóa quy trình sản xuất và tập trung phát triển thị trường nội địa. Dưới đây là cuộc trao đổi của phóng viên TTXVN với bà Hà Thị Vinh, Giám đốc doanh nghiệp này.

Tâm tình với người thổi hồn vào đất ảnh 1Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh. Ảnh: Uyên Hương - TTXVN

Một năm qua, thế giới trải qua cơn ác mộng mang tên COVID-19. Đó có phải khó khăn lớn nhất kể từ khi gốm sứ Quang Vinh được thành lập, thưa bà?

Tôi nghĩ đây chưa phải khó khăn lớn nhất bởi đối với gốm sứ Quang Vinh cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 và 2008 mới khiến công ty đứng trước nguy cơ phá sản khi sản phẩm liên tục bị ép giá, doanh thu giảm xuống đáy. Đó là lúc gốm sứ Quang Vinh phải chọn lựa giữa thay đổi hay dừng lại.

May mắn, gốm sứ Quang Vinh có nguồn lao động cấp cao được đào tạo ở nước ngoài, học hỏi tinh hoa những vùng đất gốm trứ danh và nắm bắt các xu hướng thẩm mỹ của các vùng, quốc gia.

Cũng xuất phát từ việc cái khó ló cái hay khiến gốm sứ Quang Vinh phải đổi mới chính mình, sáng tạo các sản phẩm đẹp - độc - lạ, đủ sức cạnh tranh với thị trường thủ công mỹ nghệ quốc tế.

Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ nhằm giảm chi phí nguyên-nhiên liệu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm, an sinh xã hội, môi trường cũng là mục tiêu mà gốm sứ Quang Vinh hướng tới.

Bà có thể chia sẻ việc để bước chân vào các thị trường xuất khẩu, thời điểm đó Quang Vinh đã làm gì?

Với định hướng xuất khẩu, công ty gốm sứ Quang Vinh liên tục đầu tư các công nghệ hiện đại, đổi mới toàn diện dây chuyền sản xuất.

Năm 1999, gốm sứ Quang Vinh là doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc nhập lò nung đốt bằng gas công nghệ cao của Đài Loan (Trung Quốc) với trị giá trên 20.000 USD để thay thế lò than và tiến đến áp dụng lò nung bằng gas theo công nghệ tiên tiến của Đức.

Ngoài ra, công ty còn đầu tư các loại máy móc hỗ trợ các khâu chế biến nguyên liệu, tạo hình và kiểm soát chất lượng sao cho sản phẩm có độ mịn, an toàn cao, không cong vênh, nứt mẻ.

Việc gốm sứ Quang Vinh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp cải thiện năng suất lao động và đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế về bảo vệ môi trường, an sinh cho người lao động… Vậy nên, khi làm được điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã bước một chân vào thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, gốm sứ là sản phẩm thể hiện sự sáng tạo, khéo léo của người nghệ nhân. Những cái méo mó có duyên được nghệ nhân “cố tình” sáng tạo, mang tính thủ công cao, mang tính thẩm mỹ.

Do đó, Quang Vinh tận dụng nhưng không lạm dụng máy móc, sản phẩm gốm có sự giao thoa giữa thủ công và công nghệ, truyền thống và hiện đại.

Điều này được thể hiện rõ nhất trong bộ sưu tập bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ; bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng; bộ bát đĩa gốm sứ chim én – hoa sen; bộ ấm chén chim én – hoa sen.

Sau khi xây dựng thành công chiến lược, Quang Vinh có bước phát triển vượt bậc với nhà máy sản xuất tại Hà Nội và Quảng Ninh, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động.

Hiện nay, các sản phẩm của gốm sứ Quang Vinh đã có mặt ở nhiều thị trường lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU…

Gốm sứ thường gắn liền với văn hóa và du lịch nhưng hai năm nay lĩnh vực này “đóng băng” vì COVID-19. Xin bà cho biết điều này có khiến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ?

Các sản phẩm gốm sứ của Quang Vinh không chỉ gắn liền với văn hóa, du lịch mà còn gần gũi với cuộc sống thường ngày qua các mặt hàng gia dụng, mỹ nghệ, trang trí kiến trúc nội và ngoại thất.

Bên cạnh đó, 90% gốm sứ của Quang Vinh dành cho xuất khẩu nên việc du lịch “ngủ đông” không quá ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh bởi việc tổ chức sản xuất của Quang Vinh chỉ bị lúng túng trong vài tháng khi dịch COVID-19 mới bùng phát.

Ngay sau đó, Quang Vinh nhanh chóng thích ứng với các biện pháp chống dịch của Chính phủ, thực hiện 5K và một cung đường hai điểm đến, yêu cầu công nhân ký cam kết, không tập trung nơi đông người. Nhờ việc tổ chức sản xuất khoa học, Quang Vinh nhanh chóng lấy lại phong độ, chạy đua cho các đơn hàng cuối năm.

Vậy, nhìn lại năm 2021 đầy sóng gió, theo bà gốm sứ Quang Vinh “được” và “mất” gì?

Dịch COVID-19 khiến các khách hàng của Quang Vinh giãn đơn, hủy đơn hàng. Ở tình thế bất khả kháng trên toàn thế giới, công ty phải chia sẻ với đối tác nhằm giữ mối quan hệ lâu dài, cùng nhau vượt qua cơn bĩ cực.

Doanh thu năm 2021 của gốm sứ Quang Vinh tăng 20% nhưng thực sự chưa thể vui vì cước vận tải tăng phi mã, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất trong nước cũng tăng vọt khi doanh nghiệp gồng gánh chi phí chống dịch, vận chuyển hàng hóa khó khăn vì gốm sứ không phải hàng hóa thiết yếu.

Tuy nhiên, gốm sứ Quang Vinh cũng coi đây là giai đoạn nghỉ ngơi, rà soát lại để chuẩn hóa quy trình sản xuất và tập trung phát triển thị trường nội địa. Bởi ngoảnh lại thì thị trường nội địa rất tiềm năng.

Đáng lưu ý, trong năm 2021, gốm sứ Quang Vinh đã phát triển nhiều sản phẩm mới với giá cả hợp lý và hướng đến phân khúc thị trường là giới trẻ. Đặc biệt, chủ đích của gốm sứ Quang Vinh nhắm tới việc mọi người Việt đều có thể sử dụng đồ gia dụng, trang trí nội, ngoại thất bằng gốm. Qua đó, gốm sẽ đến gần hơn với người tiêu dùng mọi lứa tuổi, xuất hiện trong những ngôi nhà dù cổ kính hay hiện đại.

Vậy Quang Vinh đã chuẩn bị kế hoạch bứt phá năm 2022 như thế nào, thưa bà?

Năm 2022, Quang Vinh sẽ vẫn duy trì mục tiêu xuất khẩu 90% sản lượng hàng hóa ở đa dạng thị trường trên toàn cầu. Doanh thu năm 2022 dự kiến sẽ tăng ít nhất từ 5-6% so với năm 2021.

Hiện tại, các mẫu mã, sản phẩm đều được thiết kế theo mùa hay theo năm để phù hợp với gu thẩm mỹ của các thị trường. Tuy nhiên, quan trọng nhất là gốm sứ mỹ nghệ phải chạm vào cảm xúc của con người. Cục đất để nguyên trạng vẫn mãi chỉ là cục đất nhưng nếu qua bàn tay tài hoa, khéo léo có thể trở thành sản phẩm có giá trị.

Do đó, gốm Quang Vinh tin tưởng và lạc quan vào con đường mình đang đi là đúng đắn và góp phần nhỏ bé giúp gốm Bát Tràng sẽ ngày càng vươn xa trên thị trường quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Uyên Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm