Tạm hoãn việc giao rừng, hàng chục ha keo chết khô chờ dự án

Tạm hoãn việc giao rừng, hàng chục ha keo chết khô chờ dự án

Dù đã có phương án giao rừng sau điều chỉnh nhưng toàn bộ quy trình giao khoán và thanh lý tài sản trên đất của hơn 152 ha rừng sản xuất tại xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã phải tạm dừng gần 3 năm nay. Do không phải loại cây trồng lâu năm nên nhiều cây keo ở đây đã chết khô, đổ gãy, gây lãng phí và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân đi rừng.

Tạm hoãn việc giao rừng, hàng chục ha keo chết khô chờ dự án ảnh 1 152 ha rừng keo tại xã Nhữ Hán đang chết dần. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Dưới sự dẫn đường của ông Trần Văn Mười ở thôn 11, xã Nhữ Hán, chúng tôi đi theo con đường mòn cạnh hồ Đá Rỗng vào rừng. Ông Trần Văn Mười cho biết, hàng ngàn cây keo bị chết khô nằm trong vùng rừng có tổng diện tích hơn 152 ha, trải dài từ khu vực hồ Đá Rỗng, xã Nhữ Hán đến thôn Cây Sim, xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn. Keo là cây lấy gỗ, thường được khai thác sau khoảng 10-15 năm, tùy vào mục đích sử dụng. Nếu để quá thời gian, cây sẽ sinh trưởng chậm lại, già héo, xuất hiện mục ruỗng và gãy đổ.

Tạm hoãn việc giao rừng, hàng chục ha keo chết khô chờ dự án ảnh 2 152 ha rừng keo tại xã Nhữ Hán chết dần. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Cũng theo ông Mười, gia đình ông nhận khoán chăm sóc hơn 14 ha rừng, với tổng số trên chục nghìn cây keo. Khoảng 4 năm trở lại đây, mỗi năm có cả nghìn cây chết khô, hiện chỉ còn khoảng 1/3 số cây còn sống. Gia đình ông cũng như những người dân ở Nhữ Hán không khỏi xót xa. Đây là sự lãng phí rất lớn tài sản Nhà nước và công sức người dân chăm sóc, bảo vệ gần 30 năm qua.

Theo ông Trần Văn Dự, Chủ tịch UBND xã Nhữ Hán, rừng keo này được trồng từ năm 1996. Khi đó, Công ty Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi ký hợp đồng với 27 hộ dân ở xã Nhữ Hán để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng phòng hộ bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Đến năm 2009, Ban Quản lý bảo vệ và phát triển rừng huyện Yên Sơn đã tiếp nhận lại toàn bộ diện tích rừng; đồng thời tiếp tục ký hợp đồng chăm sóc, bảo vệ rừng với 27 hộ dân trên. Năm 2016, tỉnh có quyết định điều chỉnh, phân hai loại rừng, theo đó hơn 152 ha rừng phòng hộ ở Nhữ Hán được chuyển đổi thành rừng sản xuất.

Tạm hoãn việc giao rừng, hàng chục ha keo chết khô chờ dự án ảnh 3 152 ha rừng keo tại xã Nhữ Hán chết dần. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Sau khi thực hiện chuyển đổi, phân ba loại rừng, năm 2018, UBND tỉnh ra Quyết định 270/QĐ-UBND phê duyệt phương án giao rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã quy hoạch lại là rừng sản xuất trên phạm vi toàn tỉnh. Ngoài ra, quyết định này cũng yêu cầu ưu tiên giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân đã nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ.

Gia đình anh Trịnh Văn Mạnh, thôn Hồ, xã Nhữ Hán, ký giao khoán chăm sóc và bảo vệ 12,5 ha rừng, đến nay là 26 năm. Khi tỉnh có kế hoạch giao rừng, gia đình anh đã khẩn trương đăng ký, làm đơn gửi lên UBND xã xin được giao khoán rừng. Anh Mạnh cho biết, tháng 4/2019, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Sơn về xã tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn về việc giao rừng gắn với đất lâm nghiệp, triển khai đi đo đạc, lấy số liệu trên các lô rừng thực tế. Các gia đình từng nhận khoán chăm sóc rừng như anh đều làm đơn xin giao rừng. Nhưng đến nay đã gần 3 năm, mong muốn giao rừng để sản xuất, làm ăn, phát triển kinh tế của người dân vẫn chưa được thực hiện.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Dự, Chủ tịch UBND xã Nhữ Hán cho biết thêm, tháng 4/2020, UBND tỉnh ra Quyết định 132/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng sân golf MIMOSA tại hai xã Nhữ Hán và Nhữ Khê. Thực hiện các chỉ đạo về quy hoạch dự án và giữ nguyên hiện trạng khu vực quy hoạch, UBND xã đã tạm dừng các phương án giao rừng cũng như đấu giá thanh lý tài sản là rừng trồng đối với hơn 152 ha rừng sản xuất ở Nhữ Hán.

Tạm hoãn việc giao rừng, hàng chục ha keo chết khô chờ dự án ảnh 4152 ha rừng keo tại xã Nhữ Hán chết dần. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Hiện nay, UBND tỉnh đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu sinh thái Mimosa tại hai xã Nhữ Hán và Nhữ Khê (huyện Yên Sơn) với tổng mức đầu tư dự kiến trên 585 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 5 năm từ 2020-2025. Trước khi các dự án được triển khai, người dân nơi đây mong muốn được tiếp tục thực hiện phương án giao rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp, để hưởng thành quả lao động đối với diện tích rừng đã chăm sóc, bảo vệ theo đúng điều khoản hợp đồng đã ký kết. Chính quyền xã Nhữ Hán cũng mong muốn cấp trên sớm có phương án giải quyết các vấn đề liên quan đến vùng rừng sản xuất Nhữ Hán, để người dân yên tâm phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

Nam Sương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm