Tại sao Mỹ đem “bà già” thời chiến tranh Việt Nam không kích IS?

Tại sao Mỹ đem “bà già” thời chiến tranh Việt Nam không kích IS?
Cuộc chiến ở Iraq và Syria là một kho thử nghiệm đối với mẫu máy bay cổ nhất. Trong ba tháng qua, không quân Mỹ đã tái sử dụng 2 chiếc OV-10 Broncos – máy bay cường kích và thám sát hạng nhẹ từ thời chiến tranh Việt Nam, phục vụ chiến dịch tìm diệt các phần tử thánh chiến IS. Sự tái xuất của “chim sắt” OV-10 lừng lẫy một thời là ví dụ mới nhất liên quan đến xu hướng được xem là tương đối khác lạ. Đó là việc Mỹ, mà cùng lúc là không quân Nga, đã tận dụng cơ hội “tự do tung hoành” trên bầu trời Iraq và Syria để tiến hành những đợt không kích thử nghiệm, bằng các loại máy bay mới cũng như máy bay “bà già” được cải tiến; kiểm nghiệm khả năng chịu đựng của chúng trong điều kiện tác chiến thực trước khi tiến hành các chương trình sản xuất tốn kém. 
Tại sao Mỹ đem “bà già” thời chiến tranh Việt Nam không kích IS? ảnh 1
Một chiếc OV-10 2 người lái từng được biên chế trong lực lượng Hải quân đánh bộ Mỹ. Ảnh: Navytimes
Chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu cung cấp cả một kho thí nghiệm đối với quân đội Mỹ và ngành công nghiệp quốc phòng. 2 chiếc OV-10 đã tiến hành 134 đợt xuất kích, trong đó có 120 lần thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, trong khoảng thời gian 82 ngày, từ tháng 5/2015. Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) từ chối tiết lộ bình luận về địa điểm đóng cứ và địa điểm tấn công mà OV-10 thực hiện, thế nhưng nhiều khả năng loại máy bay 2 động phản lực cánh quạt này đảm trách phần việc của lực lượng “phản ứng nhanh”, bổ trợ cho các chiến dịch đặc biệt, ví như: Nhanh chóng xuất kích theo yêu cầu của đặc nhiệm, bay thấp để tiêu diệt phiến quân bằng súng ngắn và rocket, không để chúng có thời gian chạy thoát. Mục đích chính về mặt quân sự ở đây là để xem “liệu một máy bay phản lực cánh quạt có giúp nâng cao cao tính đồng bộ và cải thiện hiệp đồng giữa phi công và chỉ huy mặt đất hay không”, Bryant Davis phát ngôn viên của CENTCOM chia sẻ. 
Ông Davis cũng nói rằng, quân đội muốn tìm hiểu xem liệu OV-10 hay một mẫu máy bay tương tự có thể đảm đương được phần việc không kích mà phần lớn hiện nay phụ thuộc vào các phi đội F-15, F/A -18 hay không. Mấu chốt là để giảm thiểu chiến phí, khi mà việc mua và vận hành F-15, F/A-18 được coi là đắt đỏ hơn nhiều so với mẫu cường kích, thám sát hạng nhẹ như OV-10. Một chiếc F-15 một giờ bay có thể tiêu tốn tới 40.000 USD cho nhiên liệu và bảo dưỡng, trong khi “bà già” OV-10 chỉ mất có 1.000 USD. 
Nhìn lại lịch sử, đó cũng chính là lý do để Tập đoàn Hàng không Bắc Mỹ (NAA - nay đã sáp nhập vào Boeing), phát triển OV-10 trong những năm 1960. Giới chức Lầu Năm góc lúc đó mong muốn có được một máy bay tấn công cỡ nhỏ, rẻ tiền, có thể cất cánh từ những đường băng ngay sát nơi có chiến sự. Với việc được bố trí ngay tại tiền tuyến, mẫu máy bay này sẽ hỗ trợ đắc lực cho bộ binh. Quân đội Mỹ đã mua và phiên chế hàng trăm chiếc OV-10 và đưa sang tham chiến tại Việt Nam. Sau khi buộc phải rút quân khỏi Việt Nam, Hải quân Mỹ cho giải ngũ OV-10, không quân cũng có bước đi tương tự, với việc cải hoán sang mẫu mới A-10, Hải quân đánh bộ còn sử dụng trong một thời gian dài, nhưng rồi cũng chấm dứt sau năm 1995. Chỉ còn Bộ Ngoại giao Mỹ là sở hữu OV-10, gửi sang Colombia phục vụ cuộc chiến chống ma túy. NASA cũng sử dụng mẫu máy bay “đồ cổ” này cho các cuộc thử nghiệm hàng không. 
30 năm sau chiến tranh Việt Nam, Mỹ lại phải viện tới OV-10 để thực hiện nhiệm vụ chống chiến binh thánh chiến ở Afghanistan, Iraq và nhiều điểm nóng khác. Năm 2011, CENTCOM và Bộ Tư lệnh tác chiến Đặc biệt Mỹ mượn 2 chiếc OV-10 trước đó thuộc quyền quản lý của Bộ Ngoại giao hoặc NASA, tiến hành cải tiến, lắp đặt thêm thiết bị thu phát sóng và hệ thống vũ khí. Đến năm 2012, Bộ Quốc phòng duyệt chi bổ sung 20 triệu USD cho nội dung điều chuyển 2 máy bay bà già này thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài. 
Hai chiếc OV-10 đã chứng tỏ khả năng đáng kinh ngạc trong 82 ngày không kích, khi hoàn thành tới 99% nhiệm vụ theo kế hoạch. Hiện chúng lại nằm “bất động” ở sân bay quân sự North Carolina, chờ các nhà khảo nghiệm phân tích số liệu, tính năng sau đợt thử nghiệm. Kết quả sẽ “quyết định liệu mẫu cường kích thám sát kiểu như OV-10 có còn nguyên sức mạnh trong chiến trường hiện tại hay không”, ông Davis chia sẻ. Sự hồi sinh của một phiên bản OV-10 là có cơ sở, khi những “đồ cổ” có cải tiến khác của Nga như cường kích Su-24, máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga đã chứng tỏ được uy lực mạnh mẽ trong các đòn không kích IS tại Syria vừa qua. 
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm