Tái hiện Tết Thanh minh của đồng bào dân tộc Dao

Tái hiện Tết Thanh minh của đồng bào dân tộc Dao

Nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa với chủ đề “Việt Nam với những sắc màu dân tộc”, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Dao đến từ huyện Ba Vì (Hà Nội) đã tổ chức tái hiện lễ cúng Tết Thanh minh đặc sắc của dân tộc mình.

Thanh minh là nghi lễ truyền thống được duy trì bao đời nay của đồng bào dân tộc Dao. Đồng bào Dao đón tết “Tsềnh mềnh” (Tết Thanh minh) đúng vào dịp Thanh Minh hằng năm. Gần đến ngày tết, các gia đình sẽ tìm ngày đẹp và đón thầy về cúng Thanh minh (Búa tsềnh mềnh).

Tái hiện Tết Thanh minh của đồng bào dân tộc Dao ảnh 1Mâm lễ cúng tổ tiên của đồng bào dân tộc Dao trong Tết Thanh minh. Ảnh: Diễm Quỳnh 

Theo quan niệm của đồng bào người Dao, thế giới bên kia cũng cần các vật phẩm thiết yếu trong cuộc sống như: tiền bạc, thực phẩm,... Chính vì thế hằng năm, cứ đến dịp Thanh minh, người Dao lại tổ chức lễ cúng nhằm cầu mong tổ tiên và người đã khuất được an cư ở cõi âm, phù hộ cho con cháu được an lành.

Tái hiện Tết Thanh minh của đồng bào dân tộc Dao ảnh 2Vào dịp Thanh minh, các gia đình chọn ngày đẹp để mời thầy về cúng cho gia đình. Ảnh: Diễm Quỳnh

Lễ vật cúng bao gồm: gà luộc, bánh dày, 1 đĩa cá to, 1 chai rượu trắng, vàng mã giấy bản của dân tộc Dao... Lễ cúng có đĩa cá, vì đồng bào quan niệm, Thanh minh là ngày sáng sủa, phải có nắng, như câu ca “sình mình ỏi sinh, hầu ỏi bung”- nghĩa là thanh minh phải có nắng, cốc vũ phải mưa.

Tái hiện Tết Thanh minh của đồng bào dân tộc Dao ảnh 3Đồng bào Dao sử dụng giấy bản (giấy dó) để làm vàng mã cúng trong lễ Thanh minh. Ảnh: Diễm Quỳnh

Sau đó, tất cả được đặt vào một mâm lễ trên bàn gỗ dâng lên trước bàn thờ tổ tiên. Theo quan niệm của đồng bào, mâm cúng phải đầy đủ rượu thịt để tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, phải có tiền bạc để tổ tiên làm lộ phí.

Tái hiện Tết Thanh minh của đồng bào dân tộc Dao ảnh 4Thầy cúng rót rượu dâng lên các vị thần linh, tổ tiên. Ảnh: Diễm Quỳnh

Lời cúng là lời mời gia tiên, tổ đường về ăn Tết Thanh minh, cả tổ tiên bên nội, bên ngoại. Sau 3 lần khấn, thầy báo gia tiên, tổ đường là ngày Thanh minh, con cháu sắm lễ vật mời gia tiên, tổ đường thụ hưởng, sau đó thầy hóa tiền vàng mã, vừa hóa thầy vừa khấn, đại ý rằng tổ tiên ở xa con cháu không có điều kiện chăm nom được nên gửi tiền mã cho tổ tiên nhờ người âm sửa sang mồ mả. Nếu mộ bị xâm phạm thì tổ tiên hóa giải hộ và phù hộ cho con cháu luôn khỏe mạnh, điều xấu thì xua đi, điều lành mang đến.

Tái hiện Tết Thanh minh của đồng bào dân tộc Dao ảnh 5Sau khi đọc xong bài cúng, thầy cúng đốt vàng mã gửi cho các vị tổ tiên. Ảnh:  Diễm Quỳnh 
Tái hiện Tết Thanh minh của đồng bào dân tộc Dao ảnh 6Thầy cúng làm phép xung quanh lễ vật nhằm xua đuổi những điều không may đi và cầu mong điềm lành tới với gia đình. Ảnh: Diễm Quỳnh 

Ngoài ý nghĩa tâm linh, Tết Thanh minh của đồng bào dân tộc Dao còn chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là truyền thống lễ, nghĩa hiếu tiết của con cháu, của những người còn sống với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và với những người đã khuất, vì vậy mà đồng bào Dao luôn trân trọng, gìn giữ, lưu truyền nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Diễm Quỳnh

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm