Tái hiện nghi thức Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Lào

Tái hiện nghi thức Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Lào

Trong khuôn khổ các hoạt động nhân sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Lào đến từ tỉnh Sơn La đã tái hiện Nghi thức Mừng cơm mới (Kin Khảu Hó).

Tái hiện nghi thức Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Lào  ảnh 1Thiếu nữ dân tộc Lào sửa soạn trang phục chuẩn bị cho nghi lễ. Ảnh: Diễm Quỳnh

Lễ Khảu Hó được coi là ngày Tết lớn trong năm của đồng bào dân tộc Lào và được tổ chức vào Rằm tháng Tám âm lịch (tháng 10 theo lịch Lào). Lễ Khảu Hó có nhiều ý nghĩa: là lễ mừng lúa mới (trước đây chỉ gieo trồng một vụ nên được coi là mừng cả năm), lễ cúng tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho con cháu làm ăn thuận lợi, có sức khỏe; lễ cúng giỗ những người đã khuất; đặc biệt đây là ngày tập trung tất cả con cháu trong gia đình, những người đi xa trong ngày này đều cố gắng trở về để dâng lễ lên tổ tiên và đoàn tụ gia đình, hàng xóm láng giềng.

Tái hiện nghi thức Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Lào  ảnh 2Mâm lễ cúng  được chuẩn bị đầy đủ bao gồm đồ ăn, rượu và hoa quả. Ảnh: Diễm Quỳnh 

Theo quan niệm vạn vật hữu linh, người Lào tin rằng mọi thứ đều có thần linh cai quản. Do vậy khi mùa màng đã thu hoạch xong, năm nào các gia đình người Lào cũng tổ chức Lễ Khảu Hó.

Tái hiện nghi thức Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Lào  ảnh 3Gia chủ thực hiện lễ cúng các vị tổ tiên ở giữa nhà. Ảnh: Diễm Quỳnh 

Khi mùa màng đã thu hoạch xong, đồng bào làm lễ cúng và khấn trời phật, tổ tiên, ông bà phù hộ cho mưa thuận, gió hòa để cho mùa sau thu hoạch đạt năng xuất cao hơn vụ mùa trước. Sau khi chế biến xong các loại lương thực, thực phẩm, người ta gói đồ lễ lại bằng lá dong (hó khảu). Trong gói đồ lễ bao gồm một nắm nhỏ xôi cốm, một nắm nhỏ xôi trắng; một vài con ong; 1 con dế mèn; thịt gà, thịt vịt, thịt nhái, thịt ếch, cá trê... mỗi thứ một miếng. Trong mỗi gói có thể đủ các thành phần, có thể thiếu một vài món.

Tái hiện nghi thức Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Lào  ảnh 4 Trong văn hoá dân tộc Lào, mâm cúng cho ông chủ nhà đã khuất được đặt trên chiếc ninh đồng trong góc bếp. Ảnh: Diễm Quỳnh 

Thường có 5 mâm lễ gồm: các loại rau, củ, quả, hoa râm bụt, và các gói Khảu hó. 5 mâm lễ được đặt ở các vị trí: bàn thờ tổ tiên để cúng tổ tiên; đặt giữa nhà để cúng giỗ người đã khuất; đặt trên chiếc ninh đồng ở góc bếp để cúng hồn ông chủ nhà; đặt ở bàn thờ ngoài vườn để cúng bên ngoại; đặt ở ngoài hành lang để cúng chúng sinh; đặt dưới gầm sàn để cúng bồ thóc.

Tái hiện nghi thức Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Lào  ảnh 5 Sau khi phần lễ, mọi người cùng buộc vòng tay may mắn cho nhau, cầu mong một năm mới khỏe mạnh, hạnh phúc. Ảnh: Diễm Quỳnh 

Chuẩn bị các mâm cúng xong, chủ nhà bắt đầu cúng. Sau khi chủ nhà đọc xong lời cúng, mọi người sẽ cùng nhau ngồi ăn cơm. Trong mâm cơm, ngoài gia chủ, con cháu về đoàn tụ còn có hàng xóm và khách cùng ăn tết cơm mới với gia đình. Mọi người ăn cơm, uống rượu hỏi thăm, chúc tụng và đeo vòng cầu may cho nhau.

Tái hiện nghi thức Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Lào  ảnh 6 Mọi người cùng nhau mở lễ vật và chung vui cùng chủ nhà. Ảnh: Diễm Quỳnh

Sau đó các gia đình đi thăm nhau, cuộc vui kéo từ nhà nọ qua nhà kia đến cuối chiều mới kết thúc.

Tái hiện nghi thức Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Lào  ảnh 7 Cô gái dân tộc Lào uyển chuyển trong điệu múa truyền thống. Ảnh: Diễm Quỳnh
Tái hiện nghi thức Mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Lào  ảnh 8 Những chàng trai, cô gái dân tộc Lào biểu diễn các tiết mục múa truyền thống. Ảnh: Diễm Quỳnh

Kin Khảu Hó là một lễ nghi mang đậm bản sắc dân tộc, đầy tính nhân văn của mỗi gia đình, dòng họ, bản mường của đồng bào dân tộc Lào. Hiện nay tuy phần nghi lễ đã được đơn giản hơn nhưng vẫn được tổ chức đều đặn, có sức lan tỏa và cần được bảo tồn và phát huy.

Diễm Quỳnh

(DTMN)
Dân tộc Lào Dân tộc Lào

Tên tự gọi: Thay, Thay Duồn, Thay Nhuồn.

Tên gọi khác: Phu Thay, Phu Lào.

Nhóm địa phương: Lào Bốc (Lào Cạn) và Lào Nọi (Lào Nhỏ).

Dân số: 14.928 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai).

Lịch sử: Người Lào có nguồn gốc di cư từ Lào sang.

Hoạt động sản xuất: Người Lào làm ruộng nước với kỹ thuật dẫn thuỷ nhập điền hợp lý. Ngoài ra họ còn làm nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tiểu thủ công nghiệp gia đình của dân tộc đặc biệt phát triển. Họ làm gốm bằng bàn xoay với các sản phẩm như chum vại, vò, ché, nồi với chất lượng tốt. Nghề dệt thổ cẩm tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, thể hiện thẩm mỹ tinh tế. Nghề rèn, nghề chạm bạc... cũng góp phần thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình. Hái lượm còn có vai trò nhất định đối với đời sống kinh tế của người Lào.

Ăn: Người Lào ăn nếp là chính. Về thực phẩm họ ưa ăn các món chế biến từ cá; đặc biệt có món Pàđẹc (cá ướp) rất nổi tiếng.

Mặc: Phụ nữ Lào mặc váy thắt ngang ngực, buông ngang tầm bắp chân. Gấu váy thêu hoa văn màu tươi sáng rực rỡ. áo nữ ngắn, để hở phần ngực trên. Chiếc trâm bạc cài tóc hay khăn piêu đội đầu của phụ nữ Lào cũng được chạm khắc hoặc thêu thùa khéo léo. Nam phục Lào có nhiều nét tương đồng với người Thái.

: Người Lào cư trú xen kẽ với người Thái, người Lự, người Khơ Mú ở các huyện Ðiện Biên, Phong Thổ (Lai Châu) và Sông Mã (Sơn La). Họ ở nhà sàn, lòng rộng, thoáng đãng, cột kèo được chạm khắc tinh vi. Mái nhà thường kéo dài tạo nên hiên để đặt khung cửi và các công cụ làm vải.

Phương tiện vận chuyển: Người Lào quen gùi, gánh đôi dậu, đặc biệt giỏi đi thuyền trên sông, ở một số nơi họ còn sử dụng ngựa thồ.

Quan hệ xã hội: Trước kia xã hội người Lào tuy phụ thuộc hệ thống tổ chức hành chính của phong kiến Thái nhưng được tự quản ở cấp bản. Mỗi bản có một người đứng đầu gọi là chẩu bản đại diện cho lợi ích cộng đồng. Thiết chế tự quản chi phối nhiều tới hoạt động kinh tế, đời sống tâm linh và đạo đức truyền thống.

Cũng như người Thái, người Lào quan niệm mỗi người có ba quan hệ họ hàng chính: ải Noọng - Lung Ta - Dinh Xao. Các dòng họ đều có tục kiêng cấm liên quan đến tô tem giáo.

Cưới xin: Theo nguyên tắc hôn nhân thuận chiều. Con trai phía họ Dinh Xao được phép và khuyến khích lấy con gái phía họ Lung Ta, nhưng nghiêm cấm lấy ngược lại. Không có tục hôn nhân anh em chồng hoặc hôn nhân chị em vợ. Gia đình của người Lào dù lớn hay nhỏ mang tính phụ quyền rõ rệt mặc dầu người phụ nữ vẫn được đề cao. Sau hôn nhân, cô dâu cư trú bên nhà chồng. Gia đình của họ thường bền vững, ít có trường hợp đa thê, ngoại tình hay ly dị. Quan hệ trong mỗi nhà thường hoà hiếu, con cái được chăm sóc như nhau không phân biệt trai gái.

Sinh đẻ: Phụ nữ mang thai và sinh đẻ được chăm sóc và quan tâm chu đáo. Họ cũng phải tuân theo nhiều kiêng cấm trong ăn uống cũng như hành vi ứng xử. Trẻ sơ sinh được đặt tên sau một tháng.

Ma chay: Tục thiêu xác chỉ thực hiện đối với người đứng đầu bản (chầu bản). Các trường hợp khác đều thổ táng. Lễ thiêu xác chầu bản do chẩu hua (ông sư) chủ trì với các nghi thức Phật giáo đã được hoà nhập và cải biến hợp với truyền thống tộc người. Người Lào không khóc trong các đám tang bởi họ quan niệm sự chết chỉ là quá trình thay đổi thế giới.

Lễ tết: Người Lào theo Phật lịch và ăn tết vào tháng 4 âm lịch hàng năm (Bun Pi May). Hàng tháng, vào ngày rằm và ba mươi có tục dâng lễ lên tháp theo nghi thức Phật giáo, lễ vật chỉ có hoa quả. Họ cũng có nhiều nghi thức tín ngưỡng khác liên quan đến nông nghiệp như lễ cầu mưa (Xo Nặm Phôn) hay có tục ăn cơm mới.

Thờ cúng: Mỗi gia đình đều có nơi thờ tổ tiên. Mỗi bản làng có một ông thầy cúng (món) chuyên việc cúng khi có người đau ốm. Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa và xã hội người Lào.

Học: Người Lào có chữ theo mẫu tự Sanscrit. Hiện nay vẫn còn nhiều sách viết trên lá cọ do các thầy cúng (mo lắm) giữ. Xưa, con trai đều phải kinh qua học sách Phật từ 3 đến 7 năm. Học xong thầy đặt cho học trò là Siêng nghĩa là người đã giỏi chữ.

Văn nghệ: Người Lào có vốn văn học dân gian phong phú với nhiều huyền thoại, cổ tích, dân ca... Phụ nữ Lào không chỉ hát hay mà còn rất giỏi các điệu dân vũ. Do sống xen kẽ lâu đời với người Thái, văn nghệ dân gian Lào ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hoá Thái. Chính điều đó đã làm cho văn nghệ của họ thêm phong phú.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm