Tái hiện nghi lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Pà Thẻn

Nằm trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ( Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Pà Thẻn đến từ huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã tái hiện nghi lễ cấp sắc của dân tộc mình.

Người Pà Thẻn ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang lưu giữ rất nhiều nghi lễ và lễ hội cổ truyền như: Tết Nguyên đán, nghi lễ vòng đời; nghi lễ liên quan đến nông nghiệp; lễ cầu mưa; lễ cúng cơm mới; lễ cúng thần săn bắn, lễ kéo chày; lễ hội nhảy lửa... nhưng tiêu biểu nhất vẫn là nghi lễ cấp sắc.

Tai hien nghi le cap sac cua dong bao dan toc Pa Then hinh anh 1Lễ vật trong lễ cúng cấp sắc của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Ảnh: Hoàng Tâm

Đối với người Pà Thẻn, lễ cấp sắc không phải là khẳng định sự trưởng thành của người đàn ông (giống như người Dao), mà là sự công nhận được phép thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, được thần thánh phù hộ và được làm thầy cúng trong các nghi lễ cúng thần thánh, cúng tổ tiên... Vì vậy, chỉ có người đàn ông làm thầy cúng mới được cấp sắc.

Tai hien nghi le cap sac cua dong bao dan toc Pa Then hinh anh 2Thầy cúng đọc các bài cúng để báo cáo, xin dấu, xin lộc cho học trò trở thành thầy cúng. Ảnh: Hoàng Tâm

Người đàn ông Pà Thẻn muốn được cấp sắc, làm nghề thầy cúng thì phải học cúng trong một thời gian dài, vì đây là điều kiện bắt buộc trước khi được thực hiện nghi lễ cấp sắc.

Tai hien nghi le cap sac cua dong bao dan toc Pa Then hinh anh 3Thầy cúng xem và chọn năm đẹp, tháng đẹp, ngày đẹp ... thông báo tới gia đình người được cấp sắc để tổ chức lễ cấp sắc. Ảnh: Hoàng Tâm

Để tổ chức lễ cấp sắc, người được cấp sắc phải chuẩn bị 2 bộ quần áo đen, 1 bộ cho thầy cúng để tỏ lòng cảm ơn công dạy của thầy, 1 bộ cho người được cấp sắc và một số trang phục khác như: Khăn hoa, khăn đen cuốn đầu, vòng cổ, vòng tay, dây đeo chéo trắng, thắt lưng xanh để trang phục cho trò. Thường có 1 thầy chính, 1 thầy phụ giúp thầy chính truyền nghề cho trò và 1 thầy xin cấp lộc cho trò. Gia đình người được cấp sắc phải chọn thêm người nữ biết nghề dệt thổ cẩm dân tộc tham gia và chuẩn bị tiền, rượu nếp, lợn, gà, gạo nếp, gạo tẻ để phục vụ cho lễ cấp sắc.

Tai hien nghi le cap sac cua dong bao dan toc Pa Then hinh anh 4Lễ cấp sắc là sự công nhận được phép thực hiện các nghi lễ, tín ngưỡng và được làm thầy cúng của người đàn ông Pà Thẻn. Ảnh: Hoàng Tâm

Thời gian tổ chức lễ cấp sắc là theo người thầy, người thầy tính đúng vào năm tốt, tháng tốt, ngày tốt… là báo cho gia đình chuẩn bị để làm lễ cấp sắc.

Thầy cúng xin các thần linh, thổ công, thổ địa, tà ma, tạ lễ để báo cáo xin dấu, xin lộc cho học trò hành nghề cúng cứu người...

Tai hien nghi le cap sac cua dong bao dan toc Pa Then hinh anh 5Hóa vàng sau lễ cúng để các thần thành, thần linh, ông bà tổ tiên chứng giám phù hộ cho mọi người có cuộc sống bình yên, ấm no và người được cấp sắc trở thành thầy cúng. Ảnh: Hoàng Tâm

Kết thúc lễ cấp sắc, thầy cúng phải thực hiện thêm hai lễ, đó là: Lễ trả ơn thần thánh và lễ cúng tổ tiên, bà mụ. Sau khi lễ cấp sắc kết thúc, người thụ lễ 12 ngày không được qua suối, leo đồi; 7 ngày không được ngủ chung cùng vợ, không được ăn các loại thịt; 4 ngày sau mới được tắm. Bảy ngày sau khi được cấp sắc, người được cấp sắc lại theo thầy đi làm lễ để tiếp tục học cúng. Vào dịp Tết hằng năm, người được cấp sắc phải đến nhà người thầy cúng đã cấp sắc cho mình để xin lộc và chúc Tết vào ngày mùng 2 Tết. Khi người thầy qua đời, người được cấp sắc phải mang 1 con gà trống đến để tạ và chịu tang như con, cháu trong gia đình.

Lễ cấp sắc là một một tập quán không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của ông cha về sự gắn kết cộng đồng, chia sẻ những điều tốt đẹp cho nhau.

Hoàng Tâm

Tin liên quan

Dân tộc Pà Thẻn

Theo truyền thuyết, người Pà Thẻn ở vùng Than Lô (Trung Quốc) đến Việt Nam cách đây khoảng 200-300 năm với câu chuyện vượt biển cùng người Dao.


Trình diễn trang phục các dân tộc và nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn

Tối 2/3, tại sân vận động Bản Kẻ B, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) tổ chức trình diễn trang phục các dân tộc và nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn. Buổi trình diễn trang phục các dân tộc và nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã để lại ấn tượng cho nhân dân và du khách gần xa, góp phần quảng, giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng cao huyện Lâm Bình.



Đề xuất