Tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) ngày 20/5/2018, đồng bào dân tộc Raglai ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận đã tái hiện lại Lễ cưới truyền thống của dân tộc mình.
![]() |
Nhà gái bàn bạc với ông mai trước khi sang nhà trai. Ảnh: Nam Sương |
![]() |
Nhà gái làm lễ trước khi sang nhà trai. Ảnh: Nam Sương |

Trước khi quyết định tiến hành đi đến đám cưới, người Raglai có phong tục tiền hôn nhân (ngủ thảo để tìm hiểu nhau). Theo luật tục Raglai, người con gái phải để chàng trai chủ động bày tỏ tình yêu và phải siêng năng, chăm chỉ để được các chàng trai đem lòng yên mến thì mới được phép chọn người ngủ thảo.

Ngủ thảo là tục lệ chỉ dành cho các chàng trai, cô gái chưa lập gia đình, không chỉ diễn ra một đêm mà diễn ra một vài đêm hoặc có thể kéo dài từ khi đôi trai gái quyết định tìm hiểu nhau cho tới ngày cưới. Các đêm ngủ thảo sẽ giúp đôi bạn trẻ tâm tình để thấu hiểu nhau, nuôi dưỡng tình yêu bền chặt, nếu tiến tới hôn nhân, vợ chồng sẽ có cuộc sống hòa thuận hơn. Tục lệ này là sự thử thách bản thân cũng như sự tôn trọng nhau của đôi bạn trẻ. Đôi trai gái được ngủ thảo để tâm tình nhưng không được đi quá giới hạn, nếu không sẽ bị nộp phạt cho làng một con heo, một ché rượu, hai gia đình phải làm lễ cắt lúi, cúi đầu tạ tội trước ông bà tổ tiên vì đã làm xấu mặt dòng họ, làng xóm, không được tổ chức cưới trang trọng.
Sau khi gia đình hai bên đồng ý cho đôi bạn trẻ tiến tới hôn nhân thì nhà trai tìm ông mai bà mối, là những người đứng tuổi, am hiểu phong tục tập quán, hiểu biết sâu rộng, nói năng hoạt bát để sang nhà gái tiến hành lễ hỏi.
![]() |
Đám cưới diễn ra ở nhà trai. Ảnh: Nam Sương |
Mặc dù đồng bào Raglai theo thiết chế mẫu hệ nhưng con trai vẫn là người chủ động trong hôn nhân từ việc chọn đối tượng bạn đời cho đến việc đi hỏi vợ, vì vậy nhà trai phải qua nhà gái trước. Trong lễ ăn hỏi, nhà trai (gồm chàng trai, ông mai, bà mối, cô em gái) mang lễ vật, thường là một xấp lá trầu xanh, một chùm trái cau tơ sang nhà gái. Đây là buổi đầu gặp gỡ chủ yếu là tìm hiểu hoàn cảnh, dạm hỏi ý tứ gia đình hai bên. Sau đó, nhà gái rót ra 4 bát rượu cần, làm 4 con gà, đặt trên một cái mâm mời 4 người bên nhà trai.
![]() |
Nhà trai chuẩn bị lễ vật mang sang nhà gái. Ảnh: Nam Sương |
Sau lễ ăn hỏi, trong khoảng thời gian chưa tổ chức lễ cưới, đôi trai gái tiếp tục tìm hiểu, thường xuyên qua lại để giúp các công việc phát nương, cày ruộng, cấy hái… hai bên gia đình cũng qua lại nhà nhau bằng lễ đưa bầu rượu.
![]() |
Đôi vợ chồng mang lễ vật sang nhà gái. Ảnh: Hoàng Tâm |
Để thực hiện lễ đưa bầu rượu thì nhà gái (gồm ông mai, 1 cô gái mang lễ vật trầu cau, thuốc lá, cô dâu tương lai) đến nhà trai. Nhà trai sẽ làm 3 con gà, chuẩn bị 3 ché rượu để đón nhà gái. Trong bữa ăn, cô dâu tương lai sẽ rót rượu để mời bố mẹ chồng, sau đó hai bên rót rượu mời nhau cùng ăn uống, bàn việc hôn nhân. Để tiến tới lễ cưới, nhà trai còn qua nhà gái để hai bên chính thức bàn chuyện cưới xin, làm lễ trao đồ cho cô dâu tương lai.

Sau khi đủ điều kiện để tổ chức lễ cưới, nhà trai gồm 4 người đến nhà gái, trao món đồ cho cô dâu tương lai, đưa lễ vật chính thức, bàn chuyện chuẩn bị cho lễ cưới. Lễ này được xem trọng vì hai bên xác định thời gian, hình thức tổ chức đám cưới. Khi hai bên quyết định tiến tới hôn nhân, nhà gái bày mâm cúng cho nhà trai khấn vái ông bà, chúa xứ sở thần hồn. Sau đó, chàng trai sẽ trao lễ vật, ngoài trầu cau, còn có thêm vòng tay (bằng đồng hay bạc), cuộn dây cườm màu trắng, xanh hoặc đen (tuyệt đối không mang dây cườm màu đỏ) vì máu đỏ tượng trưng cho người đã khuất, chết chóc. Nếu gia đình nhà trai khá giả còn có thêm khăn, áo, vải vóc ( nâu, xanh, xám) kiêng vải màu đỏ vì vì máu đỏ tượng trưng cho người đã khuất, chết chóc, cô gái sẽ nhận vật làm tin từ người yêu. Chàng trai còn trao cho người yêu cái túi đựng trầu, cô gái đón nhận, têm ba mươi bảy miếng trầu, bổ ba mươi bảy miếng cau, cho vào túi, trao lại cho chàng trai. Đây là dịp để cô gái thể hiện sự khéo léo và tình cảm của mình. Không chỉ trao vật làm tin, trong lễ này, hai bên gia đình có thể tùy tình hình mà quyết định hình thức cưới trang trọng hay cưới phạt. Trong thời gian chờ lễ cưới, nếu một trong hai bên không muốn tiếp tục tiến tới hôn nhân thì tổ chức trả của, chịu phạt, bị cộng đồng lên án. Nếu chàng trai không cưới sẽ mất toàn bộ lễ vật đưa sang nhà cô gái, chịu phạt theo luật tục; nếu người con gái phá bỏ hôn ước thì chịu phạt lớn hơn, bị cộng đồng lên án gay gắt hơn.
![]() |
Lễ cưới được tổ chức chính tại nhà cô dâu. Ảnh: Nam Sương |
Lễ cưới của người Raglai được tổ chức ở cả nhà trai, nhà gái (nhà trai tổ chức ngày thứ nhất vào ngày lẻ, nhà gái tổ chức ngày thứ hai vào ngày chẵn). Khi thực hiện nghi thức cưới ở nhà trai xong, sang ngày thứ hai nhà trai xuất phát tới nhà gái từ sáng sớm.
Khi sang nhà gái, tùy điều kiện kinh tế từng gia đình mà họ mang theo lễ vật nhiều hay ít. Tuy nhiên, lễ vật bắt buộc trong đám cưới truyền thống bao gồm: Vòng cổ, vòng tay, Gùi đi nương, Cái rựa, Bát ăn cơm, Cái nỏ, Quần áo, tấm vải.
![]() |
Cô dâu, chú rể mời trầu mọi người. Ảnh: Nam Sương |
Khi chàng rể tới nhà vợ phải rửa mặt tại cửa ra vào, sau đó vào nhà, tới ngồi cùng cô dâu đã đợi sẵn. Trong khi mọi người mời nhau miếng cau trầu lộc hay điếu thuốc thì cô dâu, chú rể thực hiện nghi lễ cúng ông bà tổ tiên, mời ông bà về chứng giám cho lễ thành hôn của hai người, cho phép chú rể đeo chuỗi hạt cườm, vòng tay cho cô dâu. Một điều đặc biệt là mâm cúng ông bà tổ tiên của cô dâu, chú rể phải có gà luộc nguyên con, 2 bát cơm với ý nghĩa có bát ăn bát để, cầu mong ông bà phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ thuận hòa, làm ăn gặp nhiều may mắn. Cúng xong họ xem bói lưỡi gà, xem bói lá trầu, xem bói chân gà. Rồi cô dâu, chú rể rót rượu mời nhau và mọi người.
![]() |
Cô dâu, chú rể mời rượu mọi người. Ảnh: Nam Sương |
Tiếp theo là đưa các vật lễ vào cúng cầu mong mùa màng tốt tươi, ngô, lúa đầy kho, vợ chồng hòa thuận, yêu thương nhau trọn đời.
Sau nghi lễ cúng ông bà tổ tiên, cô dâu chú rể mời rượu ông mai, bà mối, anh chị em họ hàng hai bên (cô dâu mời nhà trai, chàng rể mời nhà gái). Tiếp đó vợ chồng sẽ mời cơm, mời thịt, mời rượu nhau. Tục lệ vợ chồng mời cơm nhau là một lời nhắc nhở phải luôn yêu thương, chăm sóc nhau, giữ tình cảm thủy chung son sắt. Việc dùng tay để gắp (bốc) cơm là thể hiện sự gắn kết con người với cây lúa, cầu mong cây lúa nặng hạt để thóc đầy kho, cơm đầy nồi. Sau đó, nhà gái sẽ dọn mâm cỗ để mọi người cùng ăn uống, chúc phúc cho cô dâu, chú rể.
![]() |
Cô dâu, chú rể là lễ gột rửa. Ảnh: Nam Sương |
Đây cũng là dịp để người Raglai đánh mã la, hát hò, vui chơi. Sáng hôm sau, nhà gái tổ chức bữa cơm thịnh soạn mời nhà trai thưởng thức rượu, đầu lợn, tiễn nhà trai, đồng thời gửi kèm theo rượu, thịt lợn để nhà trai về mời mọi người ăn uống.
![]() |
Mọi người làm lễ xin phép ông bà tổ tiên và chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Ảnh: Nam Sương |
Đồng thời, nhà trai cũng tùy vào điều kiện kinh tế mà đáp lễ bằng tặng phẩm như: lợn, trâu, bò, gùi, nồi, bát… Sáng hôm sau, nhà trai tiễn ông bà thông gia, vợ chồng con trai ra về, người con trai sẽ ở rể bên nhà vợ. Từ đây hai bên thông gia luôn gần gũi, giúp đỡ nhau.
![]() |
Sau khi cúng, xem bói lưỡi gà, chân gà. Ảnh: Nam Sương |
Kết thúc phần lễ, mọi người cùng nhau đánh mã la, hát siri (hát đối đáp), độc tấu đàn đá, độc tấu đàn chapi, Vũ điệu Raglai, hát đối đáp để chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.
![]() |
Hai họ tổ chức múa hát những vũ điệu truyền thống để mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Ảnh: Hoàng Tâm |
Lễ cưới của người Raglai là một trong nhữn nghi lễ quan trọng thuộc hệ thống nghi lễ vòng đời, phản ánh vai trò quan trọng của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ và thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Raglai.
Hoàng Tâm