Tái định cư các dự án thủy điện: Bài I-Những tác động nhìn từ hướng ...bất lợi

Tái định cư các dự án thủy điện: Bài I-Những tác động nhìn từ hướng ...bất lợi

Bài I-Những tác động nhìn từ hướng... bất lợi đối với người dân vùng dự án 

Để thực hiện dự án thủy điện, yêu cầu trước tiên là phải thu hồi một diện tích đất đai tương xứng với công suất và quy mô của công trình đã thiết kế. Trong khi đó thực hiện công tác tái định cư, phần lớn chủ đầu tư chỉ chú ý đến việc đến bù sử dụng đất, các tài sản thiệt hại trực tiếp. Còn các thiệt hại gián tiếp và vô hình khác, cụ thể là về thu nhập, lợi thế từ vị trí kinh doanh, đánh bắt cá, các sản phẩm khai thác từ rừng của người dân địa phương không hề được tính đếm tới. Chưa kể xây dựng khu tái định cư chất lượng thấp, không đồng bộ, không phù hợp phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, thiếu đất trồng trọt hoặc đất quá xấu…Hậu quả là nhiều vấn nạn xã hội nảy sinh, nguy cơ tái nghèo tăng trở lại. 

* Nguy cơ  tái nghèo sau tái định cư 


Theo số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu-Đại học Cần Thơ: Khu vực Miền Trung-Tây Nguyên có hơn 150 thủy điện lớn nhỏ đã và đang triển khai xây dựng. Khâu khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động môi trường và phê duyệt chưa chặt chẽ, đôi khi còn hình thức. Cam kết đánh giá tác động môi trường không được chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc. Phát triển thủy điện ngoài những tác động tích cực, nhưng làm mất rất nhiều diện tích rừng và làm suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm nguồn nước, giảm phù sa, tăng xói lở ở vùng hạ du, nguy cơ vỡ đập… 

Đã hai mùa mưa kể từ khi được chuyển đến nơi ở mới để phục vụ xây dựng công trình thủy điện Lai Châu, hơn chục hộ đồng bào dân tộc Cống ở bản tái định cư Nậm Khao, huyện Mường Tè đang phải sống trong sự đe dọa đến tính mạng bởi hàng vạn khối đất đá có nguy cơ sạt lở xuống, vùi lấp họ bất cứ lúc nào. Ảnh: Quang Duy- TTXVN.
Đã hai mùa mưa kể từ khi được chuyển đến nơi ở mới để phục vụ xây dựng công trình thủy điện Lai Châu, hơn chục hộ đồng bào dân tộc Cống ở bản tái định cư Nậm Khao, huyện Mường Tè đang phải sống trong sự đe dọa đến tính mạng bởi hàng vạn khối đất đá có nguy cơ sạt lở xuống, vùi lấp họ bất cứ lúc nào. Ảnh: Quang Duy- TTXVN. 


Riêng Thủy điện A Lưới triển khai đã thu hồi 1.890ha đất trên địa bàn 7 xã của huyện, trong đó có 205ha đất bị thu hồi hoàn toàn, đã có 106 hộ dân được tái định cư ở thôn Cần Tôm, còn 99 hộ dân tự tìm nơi ở mới. Có tới 22 tác động đến đời sống của họ, tiêu biểu là người dân mất đất, thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất không có, nhà ở xuống cấp, bất an khi có mưa lũ… Dự án hồ Tả Trạch triển khai di dời hơn 4.000 người, tiền bồi thường không đủ, sinh kế nơi tái định cư khó khăn hơn nơi ở cũ do đất không có, nếu có thì quá xấu trồng cây không lên, buộc người dân phải đi làm thuê... cuộc sống càng khó khăn hơn. 

Quảng Nam được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn về thủy năng, nhất là trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn. Theo quy hoạch, trên địa bàn Quảng Nam có 44 dự án thủy điện, với tổng công suất 1.584,6 MW, điện lượng bình quân năm 6,261 tỷ kWh. Diện tích đất rừng dự kiến thu hồi để đầu tư các công trình thủy điện tổng cộng 11.384ha, diện tích đã thu hồi hơn 7.047,6ha, trong đó hơn 3.000ha là rừng tự nhiên, đặc dụng, phòng hộ. So với tổng diện tích đất rừng và đất khác của các huyện miền núi đã thu hồi để triển khai các dự án kinh tế-xã hội, diện tích thu hồi để thực hiện các công trình thủy điện chiếm 34,6%. Cụ thể 10 công trình thủy điện theo quy hoạch bậc thang sông Vu Gia - Thu Bồn chiếm 8.717ha, 34 công trình thủy điện vừa và nhỏ chiếm 2.666ha. Hơn 282ha rừng phải nhường chỗ cho hành lang đường điện các dự án thủ điện. Có 14 chủ đầu tư các dự án đang trình UBND tỉnh duyệt cấp thêm hơn 2.156,4ha đất rừng sử dụng cho mục đích thủy điện. 

Có 22 dự án thủy điện đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến 3.181 hộ với 14.408 nhân khẩu; trong đó 1.736 hộ dân phải di dời, tái định cư nơi ở mới do bị ngập trong vùng lòng hồ và xây dựng các hạng mục công trình khác. Hầu hết thuộc các dự án bậc thang thủy điện do Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch. Chính phủ cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và đã được thẩm định phê duyệt có số lượng tái định cư là 1.649 hộ. 


Đánh giá về những tồn tại, hạn chế trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án thủy điện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho rằng: Các khu tái định cư quy hoạch chưa hợp lý như bố trí tái định cư vào các khu vực rừng phòng hộ, không bố trí đủ đất sản xuất cho người dân tái định cư. Ngoài việc phải mất rừng để xây dựng các khu tái định cư thì việc người dân phải chuyển đến nơi ở mới thiếu đất sản xuất, đất đai xấu hơn, sản xuất không ổn định, xây dựng chuồng trại chăn nuôi… dẫn đến việc rừng tiếp tục bị xâm hại. Tại một số dự án thủy điện, việc xây dựng nhà tái định cư của các dự án thủy điện chất lượng không đảm bảo, không phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương nên người dân ít sử dụng nhà mà phải khai thác gỗ xây dựng lại nhà cửa mới để ở, gây lãng phí và mất rừng rất nhiều. 

Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các ban, ngành có chức năng lập quy hoạch, bố trí đất sản xuất cho người dân mất đất để xây dựng công trình chưa chặt chẽ và hợp lý. Phần lớn người bị thu hồi đất có trình độ học vấn thấp, hoặc đã lớn tuổi nên việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn, kể cả việc tuyển dụng vào làm tại các doanh nghiệp cũng rất khó do trình độ lao động không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn nhiều nan giải, thiếu tính đa dạng, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và tập quán của người dân. Tính công khai, dân chủ trong tổ chức thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tài định cư tại một số địa phương chưa đảm bảo theo quy trình, quy định. Chưa tổ chức được nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân trong vùng dự án để kịp thời xử lý những vướng mắc, giải quyết tâm tư và bức xúc của nhân dân trong vùng thực hiện dự án. 

Các công trình thủy điện được xây dựng không chỉ có những diện tích rừng tự nhiên mất đi vĩnh viễn bởi bị ngập nước lòng hồ, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến dân sinh, tài nguyên rừng, nguồn nước, môi trường sinh thái. Diện tích đất sản xuất của nhân dân bị thu hẹp do ngập nước, bị vùi lấp đất do mở các đường công vụ. Từ chỗ thiếu đất sản xuất, không đủ lương thực cho nhu cầu đời sống, nhân dân bị thu hồi đất phải phá, lấn vào rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất, gây áp lực đến diện tích rừng còn lại là rất lớn. 

Phần lớn công tác thu hồi đất phục vụ cho các dự án thủy điện của tỉnh chủ yếu tác động đến quỹ đất nông nghiệp và lâm nghiệp, đây là quỹ đất gắn liền với sinh kế, văn hóa truyền thống lâu đời của người dân lao động nông nghiệp. Do đó khi thu hồi đất sẽ ảnh hưởng phát sinh đến nhiều yếu tố xã hội khác. Như người lao động mất đất sản xuất, vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho nhân dân, tái định cư. Trong khi đó hiện tại các ảnh hưởng này nếu chỉ được giải quyết, bồi thường, hỗ trợ bằng tiền thì chưa thể đầy đủ và triệt để. Về giải quyết việc sau khi tái định cư gặp trở ngại vì đa số lao động nông thôn trình độ học vấn thấp, hoặc đã lớn tuổi nên việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn. Mặt khác chưa có biện pháp chế tài ràng buộc nên doanh nghiệp chưa thấy hết trách nhiệm của mình trong việc giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân trong vùng dự án. Vì vậy, đã có nhiều trường hợp tham gia vào các hoạt động khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép, gây phức tạp về tình hình hình an ninh trật tự trên địa bàn. 

* Tác động xấu đến tài nguyên và môi trường 

Theo nhận định của các nhà khoa học chuyên ngành, khi hình thành các hồ chứa thủy điện, sẽ phân nhỏ dòng sông vùng thượng lưu và trung lưu thành các đoạn sông và làm mất đi tính liên tục của dòng chảy. Việc xây dựng đập và hồ chứa làm thay đổi căn bản chế độ thuỷ văn, lưu lượng dòng chảy ở cả phía trên đập lẫn phía sau đập. Sự thay đổi chế độ thuỷ văn, dòng chảy sẽ làm thay đổi môi trường sống, gây tác động mạnh lên hệ sinh thái và khu hệ thuỷ sinh vật sống, đặc biệt là ở vùng hạ lưu sau đập. Việc xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện chỉ mang tính dự báo và tập trung đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn xây và và giai đoạn vận hành nhà máy, mà hầu như chưa chú trọng tới đánh giá tác động môi trường lâu dài ở vùng sau đập về sản lượng cá, về nơi cư trú, nơi sinh sản của các loài thuỷ sinh vật nói chung và cá nói riêng. 

Diện tích rừng bị mất do các hồ làm ngập, do bị phá làm đường, hành lang vận chuyển và đường dây tải điện sẽ gây ra mất hay hủy hoại rất nhiều diện tích rừng có giá trị đa dạng sinh học cao. Việc xây dựng các công trình hồ chứa, đường giao thông nội bộ sẽ làm cắt đường di chuyển, cô lập các quần thể động vật, thực vật. Chất lượng rừng bị suy giảm, việc vận chuyển và đi lại dễ dàng hơn sẽ dẫn tới gia tăng tình trạng buôn bán động vật hoang dã và khai thác gỗ trái phép làm thu hẹp dần nơi cư trú của các loài động vật. 

Bên cạnh đó, các tuyến đường mới mở để thi công thuỷ điện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận đến rừng dễ dàng hơn, các sản phẩm từ rừng có thể bị khai thác được thuận lợi hơn và làm mất đi nơi cư trú, sinh sống, đường di trú của nhiều loài động vật rừng. Khu vực nước dao động do điều tiết hồ chứa sẽ bị xói mòn một phần diện tích đất rừng và sẽ trở nên trơ mòn, vô cơ hóa. Công tác trồng rừng thay thế chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do phải chi phí khá lớn và không thể tìm được vị trí thích hợp, diện tích đất trống đồi trọc đã giao cho người dân địa phương sử dụng, còn diện tích khác thì đã có rừng. Chủ trương của tỉnh là yêu cầu các chủ đầu tư phải trồng lại diện tích rừng tương đương với diện tích rừng và đất rừng mà dự án chiếm dụng. Nhưng cho đến nay, việc trồng lại rừng thay thế cho những diện tích rừng đã mất của các chủ đầu tư thủy điện chưa đạt 1/1.000. 

Thực tế cho thấy, tính đa dạng sinh học trong rừng trồng không cao, thông thường chỉ trồng 1 loại cây, không tạo thành các quần thể sinh thái, chưa thể là nơi ở lý tưởng cho các loài động vật di cư; thảm thực vật rừng trồng kém hơn rất nhiều so với rừng tự nhiên, dẫn đến việc điều tiết dòng chảy lũ suy giảm và có xu thế bất lợi. 

Bất kỳ một công trình thủy lợi nào cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang gia tăng, các yếu tố khí tượng thủy văn có nhiều thay đổi theo chiều hướng bất lợi, trong khi đó các công trình thủy điện sử dụng tài liệu khí tượng thủy văn trước đây để tính toán. Nếu gặp các trận lũ lớn nhất là lũ cực hạn (PMF), các công trình có thể bị sự cố vỡ đập, hậu quả sẽ khôn lường. Đây là vấn đề chưa được các chủ đập quan tâm, đánh giá đúng mức. Quy trình vận hành các hồ thủy điện hầu hết là trữ nước sớm nhằm tăng hiệu quả phát điện, vì vậy khi vào lũ chính vụ các hồ hầu như xả lũ với lưu lượng Q xả = Q đến, hồ không còn chức năng giảm lũ, cắt lũ cho hạ du. 

Theo khảo sát của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều đới đứt gãy địa chất cắt ngang. Vì vậy, việc xây dựng các hồ thủy điện có dung tích chứa nước lớn sẽ gây nên động đất kích thích. Chỉ tính riêng năm 2012, khu vực hồ thủy điện sông Tranh 2 đã xảy ra 75 cơn dư chấn (cơn lớn nhất 4,7 độ richter) gây nứt nẻ hư hỏng hơn 1.600 nhà dân và trụ sở cơ quan, trường học, tư tưởng nhân dân luôn ở trong tình trạng hoang mang, lo sợ./. 




Có thể bạn quan tâm