Tái cơ cấu theo 3 trục sản phẩm nông nghiệp

Tái cơ cấu theo 3 trục sản phẩm nông nghiệp
Xây dựng thương hiệu “Vịt Đồng Tháp” . Ảnh : Nguyễn Văn Trí - TTXVN
Xây dựng thương hiệu “Vịt Đồng Tháp” . Ảnh : Nguyễn Văn Trí - TTXVN
Theo đó, 3 trục sản phẩm gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương. Tuy nhiên, với nhóm sản phẩm nào cũng phấn đấu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đồng thời có sự chủ động đối phó với các rào cản kỹ thuật trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, theo nhận định của ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình, thị trường tiêu thụ vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu của bất kỳ ngành sản xuất kinh doanh nào. Vấn đề quy hoạch vùng để sản xuất nguyên liệu cho chế biến với khối lượng lớn là vấn đề cốt yếu. Qua thực tế sản xuất và nghiên cứu, còn rất nhiều vùng có thể quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu rau quả phục vụ chế biến xuất khẩu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với các cây trồng hiện tại. Chẳng hạn, các tỉnh Tây Nguyên có thể quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu chanh leo, khoai lang Nhật, ngô ngọt, ngô rau, đậu tương rau, rau chân vịt, hồ tiêu với số lượng rất lớn và đều là các sản phẩm thị trường thế giới đang có nhu cầu. Các tỉnh phía Nam có các khu vực đất nhiễm phèn, nhiễm mặn như Kiên Giang rất thích hợp để quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu dứa sẽ cho hiệu quả cao hơn rất nhiều so với lúa hay các cây trồng hiện tại. Các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… rất thích hợp để quy hoạch phát triển các vùng trồng dứa thay thế cho diện tích cây cao su đang kém hiệu quả.     Để phát triển sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi, các địa phương đã đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng lớn để sản xuất quy mô lớn, thuận lợi cho ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất. Các hoạt động liên kết ngày càng đa dạng, đặc biệt là liên kết góp vốn đầu tư sản xuất và liên kết bao tiêu sản phẩm nông, lâm, thủy sản hàng hóa. Đặc biệt, chất lượng nông sản, nhất là nông sản xuất khẩu đã được cải thiện thông qua việc thay đổi cơ cấu sản xuất và nâng cao năng lực chế biến. Điển hình là tỷ trọng gạo chất lượng cao đã được tăng lên đáng kể, như: gạo thơm, gạo nếp tăng từ 11,7% năm 2012 lên tới 41,7% năm 2017; 80% gạo xuất khẩu là gạo chất lượng cao. Các mặt hàng rau quả chế biến xuất khẩu đạt 22,8%. Cơ cấu sản phẩm cao su cũng đã chuyển dịch theo nhu cầu thị trường, giảm tỷ trọng mủ SVR3L (cao su dạng khối) từ 49% xuống còn 42%. Tỷ lệ sản phẩm thủy sản được chế biến, giá trị gia tăng cao đạt khoảng 50% sản lượng. Công nghệ chế biến điều của Việt Nam ở trong nhóm phát triển nhất thế giới... Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, kết quả trên có được bởi đã có hàng loạt doanh nghiệp/tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Điển hình là 10 doanh nghiệp chế biến rau quả và chế biến gia súc, gia cầm với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng trong 2 năm gần đây. Cả nước hiện có trên 7.000 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 5 năm triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, chuyển tăng trưởng dựa vào tăng số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng. Các nông sản lớn, chủ lực vẫn tiếp tục khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, bảo đảm đứng vững khi hội nhập quốc tế với sản lượng tiếp tục tăng, chất lượng ngày càng được cải thiện. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm nông sản xuất khẩu đã thể hiện khá rõ với việc tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản; giảm các ngành hàng, sản phẩm đang có xu hướng tăng cung; tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao trong tổng sản lượng sản xuất và hàng xuất khẩu.   Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã tiến hành rà soát quy hoạch, cơ cấu các loại cây trồng chủ lực, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của các vùng, miền, địa phương, nhu cầu thị trường và điều kiện biến đổi khí hậu. Các ngành hàng đã tăng cường áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất. Một số mặt hàng chủ lực, sản lượng lớn, có nguy cơ vượt cung như: lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, sắn, chủ trương không tăng thêm diện tích. Thay vào đó là tập trung cải tạo giống, thâm canh và ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí và bảo đảm an toàn thực phẩm. Chẳng hạn, cà phê đã được đẩy mạnh tái canh diện tích già cỗi và áp dụng các quy trình sản xuất tốt có xác nhận. Đến nay, đã có trên 200.000 ha (khoảng 40%) đạt sản lượng khoảng 500.000 – 600.000 tấn cà phê nhân/năm được chứng nhận chất lượng. Từ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường xuất khẩu. Hay các cây ăn quả, rau hoa được xác định là ngành có lợi thế cạnh tranh, thị trường thuận lợi. Do đó, nhiều địa phương đã quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực tập trung, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành tốt; kỹ thuật rải vụ… Sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả chủ lực, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng mạnh, đáp ứng dồi dào nhu cầu tiêu dùng trong nước và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã được gắn mã số vùng trồng cùng với quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP..., giúp kiểm soát tốt về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ông Đinh Cao Khuê cho rằng, việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu phải gắn liền với các nhà máy chế biến. Quy hoạch vùng nguyên liệu không bị giới hạn trong một vùng lãnh thổ nào mà phải quy hoạch đồng bộ cả một vùng rộng lớn. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các nhà máy, trung tâm chế biến phải sử dụng các thiết bị tiên tiến, hiện đại và đồng bộ có cả chế biến đồ hộp, nước quả, nước quả cô đặc, đông lạnh và sấy khô. "Bởi, chỉ có sự đồng bộ mới có được sự hỗ trợ hiệu quả từ các dây chuyền sản xuất với nhau, đa dạng hóa được sản phẩm sản xuất và có cơ hội chế biến được nhiều loại nguyên liệu trong vùng", ông Khuê chia sẻ.
Bích Hồng

Có thể bạn quan tâm