Tái cơ cấu nông nghiệp - Hiệu ứng bước đầu

Tái cơ cấu nông nghiệp - Hiệu ứng bước đầu
                               
Khóm (dứa) Cầu Đúc là một trong 10 loại nông sản chủ lực của tỉnh đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa.
Khóm (dứa) Cầu Đúc là một trong 10 loại nông sản chủ lực của tỉnh đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa.

Hậu Giang đã và đang tiếp tục triển khai các chương trình, đề án trọng tâm để chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Nhất là quá trình chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp được ngành chuyên môn quan tâm thực hiện theo hướng hàng hóa lớn, có hiệu quả cao.

Động lực từ những chương trình, đề án

Sau 3 năm thực hiện Chương trình phát triển nông sản chủ lực giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020, Hậu Giang đã xây dựng nhãn hiệu được 10 loại nông sản đặc trưng gắn liền với địa danh của từng địa phương và đang tham gia thị trường khá tốt như: Cam sành Ngã Bảy, chanh không hạt Châu Thành, khóm Cầu Đúc… Theo ông Dương Minh Truyền, Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, khoảng hai năm trở lại đây, khâu tiêu thụ sản phẩm khóm của người dân ngày càng thuận lợi hơn. Một phần là nhờ địa phương xúc tiến thành lập hợp tác xã trồng khóm và phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng thành công nhãn hiệu khóm Cầu Đúc.

Cũng với mục tiêu tập trung phát triển các loại nông sản chủ lực theo chiều sâu, nâng cao giá trị sản xuất cho người dân, hơn 1 năm qua, Hậu Giang đã tích cực xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020 (Đề án 1.000). Bước đầu, đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 2.960 hộ dân đăng ký tham gia thực hiện trong tổng số 4 hợp phần và 641 hộ đủ điều kiện vay vốn, với tổng kinh phí thực hiện trên 49 tỉ đồng, chiếm gần 17% tổng kinh phí của đề án. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan quản lý tỉnh, tiến độ triển khai đề án còn khá chậm so với yêu cầu đề ra.

Dự kiến trong năm 2016 này, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiến hành sơ kết Đề án 1.000 để đánh giá kết quả và đúc kết kinh nghiệm thực hiện trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hậu Giang, ngành nông nghiệp đang kỳ vọng rất lớn vào sự đột phá quan trọng từ Đề án 1.000. Bởi đây là đề án thí điểm trong tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nhà. Cụ thể, đề án sẽ giúp cho ngành nông nghiệp có cơ sở đúc kết kinh nghiệm và định hướng phát triển trong giai đoạn 5 năm tới, nhất là chọn lựa ra mô hình phá triển nông nghiệp, nông thôn Hậu Giang mang tính “dài hơi” hơn.

Nâng cao lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm

Cùng với đó, Đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa, giai đoạn 2012-2015 đã khẳng định bước tiến vững chắc trên đồng ruộng. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, từ trước đến giờ chưa một đề án nào mà quá trình triển khai thực hiện lại thuận lợi và nhanh chóng như đề án này. Đó là nhờ Hậu Giang đã linh hoạt vận dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho người dân mua 99 máy gặt đập liên hợp. Nhờ vậy, đã nâng tổng số máy hiện có trên toàn tỉnh lên con số 317 máy, đảm bảo phục vụ 80% diện tích gieo trồng, góp phần giảm chi phí sản xuất so với thu hoạch thủ công 4,3 triệu đồng/ha, chiếm tương đương gần 20% chi phí sản xuất.

Điểm nhấn trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm qua của tỉnh là thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng lớn. Theo đó, Hậu Giang đã chọn 5 điểm thuộc địa bàn của 5 huyện, thị xã, trong đó có 2 điểm chỉ đạo của tỉnh ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy và xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A. Ông Nguyễn Trung Chánh, Giám đốc HTX nhân lúa giống Phước Thuận (ở ấp Trường Thọ A, xã Trường Long Tây), thừa nhận: Tham gia cánh đồng lớn, người dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng trừ dịch hại, áp dụng mô hình công nghệ sinh thái, canh tác giống lúa, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên tiết giảm một khoản chi phí đáng kể và ít lo đầu ra cho sản phẩm.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Đồng khẳng định: Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hậu Giang chọn mũi đột phá bằng cách tiết giảm chi phí sản xuất là chính. Điển hình nhất là đối với cây lúa, giá thành từ mức 4.100 đồng/kg vào thời điểm 3 năm trước thì hiện nay đã giảm xuống dưới 3.000 đồng/kg. Đáng kể vụ Đông xuân 2015-2016 vừa qua chỉ khoảng 2.800 đồng/kg, thấp nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bởi chúng tôi nghĩ rằng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì phải thực hiện từng bước, còn khâu hạ giá thành sản xuất là giải pháp đầu tiên để nâng cao thu nhập, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản của người dân trên thương trường.

Với hơn 75% dân số ở nông thôn và sống nhờ nông nghiệp nên việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được xem là giải pháp quan trọng về trước mắt, cũng như lâu dài cho tỉnh thuần nông Hậu Giang.

Thông tin từ ngành nông nghiệp Hậu Giang, thời gian qua, đơn vị đã tiến hành xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Qua đó, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của toàn ngành, cụ thể: tăng trưởng khu vực I đạt 3,44%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây; giá trị sản xuất theo giá thực tế khu vực I đạt 14.156 tỉ đồng, vượt 1,11% kế hoạch, tăng 2,83% so cùng kỳ. Đặc biệt là tỉnh đã giữ ổn định diện tích gieo trồng lúa trên 200.000 ha/năm, với năng suất bình quân tăng dần từ 6,5 lên 7,3 tấn/ha và đạt sản lượng hàng năm hơn 1,2 triệu tấn lúa hàng hóa, góp phần cùng các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL tạo nên vựa lúa lớn nhất cả nước.

Có thể bạn quan tâm