Tác dụng của nước băng trong điều trị "COVID kéo dài"

Nước băng có thể là liệu pháp điều trị hiệu quả hội chứng COVID-19 kéo dài (Long COVID). Đây là phát hiện của một nhà nghiên cứu người Mexico sau khi cô giành được 2 huy chương tại một cuộc thi bơi mùa Đông ở Thụy Điển.

Đến từ Mexico City, nhà nghiên cứu về miễn dịch học Angélica Cuapio hiện làm việc tại Viện Karolinska - một đại học y khoa ở Solna thuộc vùng đô thị của thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Cô là người Mexico duy nhất tham gia tranh tài tại Giải bơi mùa Đông Stockholm mở rộng, diễn ra hôm 5/2 tại một hồ băng. Kết quả Cuapio về nhất ở nội dung bơi tự do 25m nhóm tuổi 40-44, về thứ 3 ở nội dung bơi ếch 25m và về thứ 4 ở nội dung bơi ếch tiếp sức 4x25m.

Nhiệt độ nước hồ khi đó là 1,9 độ C. Đáng chú ý, Cuapio đã xác lập kỉ lục mới ở nội dung bơi tự do 25m, với thành tích dưới 20 giây. Trả lời phỏng vấn tờ El Universal, Cuapio cho biết việc sống sót sau 2 lần mắc COVID-19 đã trở thành động lực để cô tham gia giải đấu này.

Cuapio đã phải trải qua tình trạng mệt mỏi rã rời, rụng tóc, hụt hơi và xuống tinh thần, cùng nhiều triệu chứng khác, sau khi mắc COVID-19 lần hai. Cô cho biết, theo thói quen, cô bắt đầu ngâm mình trong nước lạnh từ cuối mùa Hè năm ngoái và duy trì cho đến khi nhận thấy các triệu chứng của mình bắt đầu thuyên giảm, thậm chí một số đã biến mất hoàn toàn. Thói quen nay đã trở thành liệu pháp và hiệu quả đến mức Cuapio quyết định tham gia giải bơi. Với cô, đây là một thành tựu sau hai lần mắc COVID-19. Cuapio có cảm giác đã hoàn toàn bình phục.

Cũng theo Cuapio, đã có hàng trăm người khác trên khắp thế giới cũng ghi nhận hiệu quả của phương pháp áp lạnh (làm lạnh tại chỗ) trong điều trị hội chứng "COVID kéo dài". Theo Cuapio, cô tham gia giải bơi để tưởng nhớ những người đã qua đời do đại dịch, cũng như nêu bật việc các bệnh nhân COVID-19 phải chịu đựng những hậu quả kéo dài của căn bệnh này. Cuapio chia sẻ mong muốn nêu cao nhận thức về sự tồn tại của những hậu quả từ COVID-19 và điều quan trọng là cần phải tiến hành nghiên cứu khoa học về hội chứng COVID-19 kéo dài để tìm ra biện pháp điều trị hiệu quả.

Lan Phương

Tin liên quan

4 yếu tố xác định mắc hội chứng "COVID kéo dài"

Theo một nghiên cứu mới đăng tải ngày 26/1 trên tạp chí Cell, một ấn phẩm khoa học đã được thẩm định, có 4 yếu tố chính để xác định một người có bị hội chứng "COVID kéo dài" (Long COVID) hay không.


Nguyên nhân khiến một số người dễ mắc hội chứng COVID kéo dài

Một số bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ nhưng kéo dài nhiều tháng sau khi khỏi bệnh, hay hội chứng COVID kéo dài (Long COVID). Nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học về các yếu tố gây hội chứng này đã cho thấy ở những bệnh nhân trên đã phát triển tự kháng thể có thể tấn công tế bào của chính họ, hoặc họ có cơ địa dễ xảy ra các triệu chứng kéo dài.


Triển vọng điều trị chứng "não sương mù" ở người bị COVID kéo dài

Kết quả một nghiên cứu công bố mới đây trên trang bioRxiv.org cho thấy chứng "não sương mù" - tình trạng đầu óc không thể ghi nhớ, phân tích nhạy bén hoặc thiếu tập trung, ghi nhận ở một số người hồi phục sau khi mắc COVID-19 gần giống chứng "não hóa trị" mà một số người trải qua trong và sau quá trình điều trị ung thư.


Những điều cần biết về chứng COVID kéo dài

Chứng COVID kéo dài (Long Covid) được coi là một nguy cơ đối với y tế cộng đồng ẩn sau đại dịch COVID-19. Giới khoa học đang trong giai đoạn đầu phát triển và bào chế thuốc điều trị nhằm giảm các triệu chứng bệnh, đồng thời nghiên cứu những nguyên nhân chưa có lời giải về triệu chứng này. Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Pennsylvania đã thực hiện một công trình nghiên cứu khổng lồ mới, trong đó phát hiện rằng hơn 50% trong số 236 triệu người mắc COVID-19, tính đến thời điểm tiến hành nghiên cứu, có các triệu chứng COVID kéo dài trong hơn 6 tháng.



Đề xuất