Sừng sững gươl làng

Sừng sững gươl làng
1. Trong chuyến hành trình đi về phía núi, chúng tôi tình cờ gặp lại Kêêr Tíc - nghệ nhân tài hoa của làng K’noonh (xã biên giới A Xan, huyện Tây Giang, Quảng Nam). Kêêr Tíc vẫn rắn rỏi như cây gỗ lim giữa rừng già, sau nụ cười đón khách. Câu chuyện về văn hóa làng, văn hóa dựng gươl của đồng bào Cơ Tu như níu chúng tôi ở lại thật lâu với Kêêr Tíc, với đồng bào K’noonh. Ngày ấy, bước chân của Kêêr Tíc vượt khắp cánh rừng giúp các bản làng Cơ Tu lân cận để dựng gươl, giữ nét truyền thống. Bàn tay ông tài hoa, những họa tiết trang trí gươl được chạm khắc đầy tinh tế, mê hoặc. “Hồi nớ, đi đến đâu là dựng gươl đến đó. Nhiều làng ở tận các xã vùng thấp, hoặc xuống tận Đông Giang, thậm chí là Thừa Thiên Huế mời mình làm chỉ huy giúp dựng gươl mới, thế mình đi ngay” - Kêêr Tíc tự hào kể.
Già Kêêr Tíc giới thiệu một tượng gỗ hình người vừa được ông tạc để trang trí gươl làng. Ảnh: ALăng Ngước
Già Kêêr Tíc giới thiệu một tượng gỗ hình người vừa được ông tạc để trang trí gươl làng. Ảnh: ALăng Ngước

Rồi cũng có thời gian khá dài, cả hàng tháng trời Kêêr Tíc cùng “đồng đội” của mình - những nghệ nhân ở khắp núi rừng Tây Giang (Quảng Nam) dồn công sức để làm nên các công trình gươl, moong tại Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang khi vừa tái lập huyện. Nhiều họa tiết trang trí gươl trung tâm tại làng cũng do bàn tay Kêêr Tíc thực hiện, mang đậm nét tài hoa với những chiếc phù điêu, tượng gỗ hình người, chim triing, chim công,… rất độc đáo. Đã sống qua gần 80 mùa rẫy, nhưng Kêêr Tíc vẫn không thôi tay cầm bút vẽ lên giấy, tay cầm rìu đẽo từng khúc gỗ, tạc các bức tượng, phù điêu tái hiện cảnh sinh hoạt của dân làng. Ông đặt bức phù điêu đẹp nhất của mình vào bên trong gươl, nhắc nhớ con cháu về nguồn cội, về truyền thống Cơ Tu bao đời.

Ảnh: ALăng Ngước
Ảnh: ALăng Ngước


2. Kêêr Tíc kể về gươl, say sưa như tiếng chiêng ngân vang đều nhịp trong hội làng mừng lúa mới. Dù chưa một lần ông bày tỏ sự suy tưởng, chiêm nghiệm nhưng chúng tôi đồ rằng văn hóa gươl đã ngấm vào da thịt của nghệ nhân tài hoa này. Là khi nhìn vào gươl, vào những họa tiết được bài trí trong gươl, nhiều người sẽ nhận ra, không ai khác ngoài nét họa của Kêêr Tíc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng (cán bộ Ban Dân tộc tỉnh) từng nói rằng, người Cơ Tu thường chọn đất lập làng sau lễ nghi cúng thần rừng, thần đất. Hình hài của ngôi làng truyền thống bao giờ cũng bắt đầu từ gươl - trái tim chung của làng - biểu trưng cho tính cộng đồng vùng cao. Đàn ông vào rừng đốn gỗ, phụ nữ ở nhà lo cơm nước. Cả làng Cơ Tu cùng dựng gươl. Máu dê được bôi lên những cột gươl chính, rải khắp khu vực đất nơi gươl sẽ dựng lên, cầu mong dân làng được no ấm, thóc ngô đầy nhà. Và, các cửa nhà dân bao giờ cũng hướng về gươl, nơi trung tâm của làng. Điểm nổi bật của gươl chính là cột lớn (z’rầng moong) được dựng từ mặt đất đến nóc và một cặp gà trống (hoặc chim triing, đầu trâu,…) đặt ở hai bên đầu hồi gươl, biểu hiện sức mạnh, sự uy nghiêm của làng người Cơ Tu.

Theo ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, do gươl có vai trò rất quan trọng trong đời sống của đồng bào vùng cao nên hầu hết ngôi làng người Cơ Tu ở Tây Giang cũng đều có gươl truyền thống. Bởi cộng đồng người Cơ Tu quan niệm gươl chính là nếp nhà, được xem là nơi thiêng liêng nhất, nơi tập trung linh hồn sống của làng, tạo nên sự bền chặt giữa cộng đồng vùng cao. Và ở Tây Giang bây giờ, gươl không chỉ xuất hiện riêng tại các bản làng, mà dần được xây dựng tại nhiều trụ sở hành chính ở các xã, trường học,… trở thành mô hình sinh hoạt giáo dục truyền thống, lưu giữ nét văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu trên Trường Sơn đại ngàn.
Báo ĐIện tử Quảng Nam

Có thể bạn quan tâm