Sức tiêu thụ sản phẩm OCOP tăng nhiều lần sau khi được công nhận

Ký kết Chương trình hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ và Thành Đoàn Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Ký kết Chương trình hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ và Thành Đoàn Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, sức tiêu thụ của nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Cần Thơ đã tăng nhiều lần so với trước đó, có sản phẩm tăng nhiều lần. 

Sức tiêu thụ sản phẩm OCOP tăng nhiều lần sau khi được công nhận ảnh 1 Ký kết Chương trình hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ và Thành Đoàn Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Thông tin được ông Lê Văn Tính, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Cần Thơ cho biết tại nghị tổng kết công tác năm 2020 của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ diễn ra chiều 12/1.

Theo ông Lê Văn Tính, khi thực hiện đầy đủ chương trình OCOP thì sản phẩm làm ra bán rất chạy. Kết quả theo dõi của Văn phòng đối với 19 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP trong năm 2020 cho thấy, doanh thu và sản lượng bán ra đều tăng.

Trong đó, có sản phẩm tăng gấp nhiều lần so với trước khi được công nhận, như trà mãng cầu Kim Nhiên (huyện Cờ Đỏ), khô cá tra một nắng Út Anh (quận Thốt Nốt) hay các sản phẩm bột ngũ cốc của cơ sở Thuận Hòa (quận Ninh Kiều).

Sức tiêu thụ sản phẩm OCOP tăng nhiều lần sau khi được công nhận ảnh 2Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm được giới thiệu tại một sự kiện xúc tiến thương mại ở Cần Thơ năm 2020. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Ông Chương Văn Khanh - chủ sở hữu 2 sản phẩm OCOP 4 sao và 2 sản phẩm 3 sao cho biết, sức tiêu thụ các mặt hàng của cơ sở tăng khoảng 30% sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP và tăng đều ở cả 4 sản phẩm.

Theo ông Khanh, trước đây mỗi ngày cơ sở bán được khoảng 200 kg khô cá tra một nắng thì hiện nay là gần 300 kg. Ba sản phẩm OCOP còn lại của ông Khanh cũng có mức tăng tương tự.

Hiện nay, tại Cần Thơ đã có một số đơn vị kinh doanh sản phẩm OCOP, trong đó có cửa hàng đặc sản Mekong Avenger ở quận Ninh Kiều vừa được khai trương ngày 1/1. Cửa hàng này hiện bày bán hơn 400 sản phẩm OCOP của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 19 sản phẩm OCOP của thành phố Cần Thơ.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Triều Phong, chủ cửa hàng đặc sản Mekong Avenger cho biết, bên cạnh thuận lợi là sự quan tâm của thành phố Cần Thơ đối với những sản phẩm OCOP, sự nhiệt tình của các hộ kinh doanh, sản phẩm có chất lượng, tạo được lòng tin cho người tiêu dùng thì việc kinh doanh các mặt hàng OCOP vẫn còn những khó khăn nhất định.

Cụ thể, theo ông Phong, do sản phẩm OCOP của Cần Thơ còn ít nên việc quảng bá, giới thiệu còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, khi cửa hàng liên hệ với những hộ sản xuất thì mức giá sản phẩm do chủ sở hữu đưa ra vẫn chưa thống nhất.

"Có sản phẩm họ bán cho cửa hàng chúng tôi là 50.000 đồng nhưng khi quảng cáo lại chỉ có 40.000 đồng. Điều này rất khó cho cửa hàng trong việc xác định giá bán", ông Phong nói đồng thời kiến nghị, đối với sản phẩm OCOP cần có những quy định cụ thể. Sau khi đạt chứng nhận thì phải thống nhất về giá bán đồng thời cam kết chất lượng của sản phẩm, để tránh tình trạng lợi dụng chứng nhận OCOP để bán những sản phẩm không đúng với sản phẩm khi được xét duyệt.

Đối với kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố nghiên cứu cách làm, kinh nghiệm của các địa phương khác để có phương hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, năm 2021, đơn vị sẽ tổ chức hỗ trợ điểm bán hàng Việt Nam cố định, đặc sản thành phố Cần Thơ và các sản phẩm OCOP (2 điểm/năm), dự kiến bắt đầu trong quý I. Cùng với đó, Trung tâm cũng sẽ có các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của Cần Thơ.

Các sản phẩm đạt 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, tham gia các hội chợ triển lãm, hỗ trợ xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiêu thụ, qua đó đẩy mạnh sản xuất sản phẩm OCOP, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng.

Đến nay, Cần Thơ đã có 19 sản phẩm OCOP và hiện còn 4 sản phẩm đang gửi về Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP thành phố để xét công nhận. Trong số những sản phẩm được chứng nhận OCOP thì có 5 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm 4 sao gồm: mắm cá tra, khô cá tra một nắng của cơ sở Út Anh, rượu mận Sáu Tia, trà mãng cầu Kim Nhiên và tranh gạo Tấn Bửu.

Quận Thốt Nốt là địa phương đang có nhiều sản phẩm OCOP nhất ở Cần Thơ với 10 sản phẩm, kế đó là quận Ninh Kiều với 8 sản phẩm và huyện Cờ Đỏ có 1 sản phẩm.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm…

Thanh Liêm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm