Sức sống mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số Sóc Trăng (Bài 1)

Sức sống mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số Sóc Trăng (Bài 1)

Bài 1: Tạo sự phát triển toàn diện, bền vững

Với quan điểm đầu tư phát triển kinh - tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đầu tư cho sự phát triển, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều chính sách, đề án, phát huy tinh thần vượt khó, nỗ lực của người dân, tạo sự phát triển toàn diện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

* Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

Xác định đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tập trung ưu tiên đầu tư cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu liên vùng phục vụ sản xuất, đời sống.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết: Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Do đó, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phối hợp đồng bộ, quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Tỉnh lồng ghép thực hiện các chính sách dân tộc với chương trình, dự án có liên quan như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội…

Sức sống mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số Sóc Trăng (Bài 1)  ảnh 1Nông dân huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) chăm sóc vườn dưa hấu. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng - Lâm Sách: Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư đã góp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, tạo tiền đề cho khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn, khóm, ấp có điện lưới quốc gia. Tất cả xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh - truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân, 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,6%. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng công trình vệ sinh hợp vệ sinh đạt 95%. Phần lớn đất nông nghiệp ở địa phương đã có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội, có những chính sách ưu tiên, tập trung đầu tư, khuyến khích thực hiện các giải pháp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện các mô hình sản xuất, toàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng đã có những đổi thay đáng kể. Tại thời điểm tái lập tỉnh Sóc Trăng vào năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tới 36,7%, đến nay tỷ lệ này chỉ còn 6,64%. Riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm còn 2,85% (so với tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh).

Chia sẻ cảm nhận về những đổi thay của phum sóc Khmer hôm nay, ông Kim Suôl (dân tộc Khmer) - một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Viên Bình, huyện Trần Đề, cho biết: Trước đây, nhà cửa chưa được khang trang, vùng này đường đi lại khó khăn. Nay các tuyến đường từ trung tâm xã đến các đường huyện đều đã được trải nhựa, đường trục xóm được bê tông hóa nên người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện. Sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao hay chăn nuôi bò sữa được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tận tình, có đại lý của doanh nghiệp thu mua nên nên đời sống người nông dân được cải thiện rất nhiều.

* Động lực phát triển mới

Việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nỗ lực huy động nhiều nguồn lực đã góp phần là thay đổi diện mạo các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rõ rệt đã đạt được, tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở cả nước nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng, vẫn còn gặp khó khăn, đòi hỏi có những giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ hơn. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được triển khai kỳ vọng sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế của các địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, gìn giữ phát huy các bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc đi đôi với xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn: Để chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 09/7/2021 về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 03/3/2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; tổ chức phổ biến quán triệt đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức thông tin đến chức sắc, chức việc các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và trong nhân dân trên địa bàn.

Sức sống mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số Sóc Trăng (Bài 1)  ảnh 2Thu hoạch tôm công nghệ cao tại huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Theo đó, tỉnh Sóc Trăng đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể như: đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng đạt từ 70 triệu đồng trở lên. Hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 3% - 4%. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 90% đường giao thông khóm, ấp được cứng hóa, 99% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác, đồng thời 100% đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng các dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe, nhìn... Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng phấn đấu đến năm 2025, giải quyết trên 90% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết: Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025, tỉnh Sóc Trăng đề ra nhiều dự án thành phần quan trọng cần thực hiện như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. (Còn tiếp)

Thanh Trà - Trung Hiếu


(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm