Sửa đổi Luật Di sản văn hóa phù hợp thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản

Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh tư liệu). Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN
Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh tư liệu). Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN

Ngày 12/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị - Hội thảo tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa theo hình thức trực tuyến với nhiều điểm cầu nối đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong chương trình, các đại biểu đã tham luận, đóng góp ý kiến về những vấn đề cần được nghiên cứu bổ sung vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến di sản văn hóa nói chung; bên cạnh đó là những đóng góp ở các lĩnh vực cụ thể như di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, bảo tàng, tư liệu… Trên cơ sở đóng góp từ các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hoàn thiện báo cáo 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa; trình Chính phủ, Quốc hội cho phép xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự mục tiêu phát triển bền vững.

Sửa đổi Luật Di sản văn hóa phù hợp thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản ảnh 1Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Đây là thời điểm thích hợp để Bộ cùng các địa phương tiến hành tổng kết, đưa ra ý kiến đóng góp nhằm xây dựng báo cáo đề xuất để sửa đổi Luật Di sản văn hóa trong thời gian tới, Theo Bộ trưởng, luật là sự thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính vì thế nên phải nhận thức đúng, đủ, sâu, quan điểm mới của Đảng về vấn đề di sản, kế thừa các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, từ đó làm sâu sắc hơn những luận điểm cơ bản mà các nghị quyết đã đề cập. Di sản văn hóa đã được xác định là tài sản vô giá của dân tộc, nhưng phải được gắn kết với cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là cơ sở sáng tạo ra các giá trị mới để giao lưu văn hóa…

Bên cạnh đó, việc xây dựng luật cần phải được nhìn ở 2 góc độ là bảo vệ được di tích và di sản nhưng không bó buộc, mà quan trọng hơn là phát huy được giá trị của di sản, di tích đó. Hệ giá trị của di tích, di sản phải được tỏa sáng, dẫn dắt, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, khẳng định hồn cốt dân tộc…

Do đó, cần phát hiện những vấn đề bất cập, có sự khái quát lớn, tầm nhìn xa, dự báo sát khi tiến hành sửa đổi luật.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề cập đến vấn đề nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị di sản và việc phân cấp quản lý giữa Bộ với các địa phương cho phù hợp để đảm bảo chuyển từ cơ quan văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật hiệu quả, sát thực tiễn… Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cũng phải đảm bảo tạo ra sự tương thích với các bộ luật khác để tạo động lực, sức mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó khẳng định, văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa Việt Nam tỏa sáng từ các giá trị của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, trách nhiệm của chúng ta là phải làm cho các giá trị đó trở thành sức mạnh mềm để lan tỏa, thu hút, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới…

Sửa đổi Luật Di sản văn hóa phù hợp thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản ảnh 2Cục trưởng Cục di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền phát biểu. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền cho biết: Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua năm 2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Đến năm 2009, Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau 20 năm, Luật Di sản văn hóa được ban hành và 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, nhờ đó, đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Tuy vậy, việc thực thi Luật Di sản văn hóa cũng đã bộc lộ những bất cập, cần sửa đổi cho phù hợp thực tiễn bởi hệ thống văn bản pháp luật về di sản văn hóa vẫn còn thiếu đồng bộ, một số nội dung vẫn bị chồng chéo bởi các luật khác, nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển chưa được xử lý hài hòa. Việc bảo tồn chưa được ưu tiên và coi trọng, tại các khu di sản, việc phát triển du lịch một cách mạnh mẽ trong khi chưa có đủ cơ sở hạ tầng, chưa có những công cụ pháp lý hữu hiệu để điều chỉnh các hành vi liên quan đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội.

Sửa đổi Luật Di sản văn hóa phù hợp thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản ảnh 3Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh tư liệu). Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN

Việc tuyên truyền, quảng bá và xây dựng các sản phẩm du lịch gắn trực tiếp với từng khu di sản, thể hiện và phát huy được nét đặc thù của địa phương ở một số khu di sản chưa đạt hiệu quả cao. Công tác truyền thông, xúc tiến du lịch và tổ chức các hoạt động dịch vụ tại một số khu di sản còn hạn chế, thậm chí còn làm méo mó di sản, ảnh hưởng đến thương hiệu và sức thu hút khách tham quan. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chưa bắt kịp được yêu cầu.

Bên cạnh đó, quan niệm của một số cư dân làng xã, các di tích gắn với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo (thờ Thần, Phật, Thánh và Mẫu) cũng như các lễ hội văn hóa truyền thống cần được làm mới, thật khang trang và sang trọng. Do đó, có xu hướng muốn thay thế các cấu kiện kiến trúc, thậm chí cả đồ thờ tự trong di tích hoặc hiện tượng sân khấu hóa và thương mại hóa hoạt động lễ hội…

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm