Sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao

Sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao

Sử dụng phân hữu cơ thay thế cho các loại phân bón hóa học, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường cũng như hướng đến một nền nông nghiệp xanh là giải pháp đang được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực.

Chuẩn bị phân bón cho hơn 2ha vườn dừa vào mùa mưa sắp đến, ông Nguyễn Văn Thắng, trú tại xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) đã ủ hơn 2 tấn phân chuồng cách đây ba tháng khi mùa mưa đến sẽ bón cho cây.

Ông Thắng cho biết, trước đây gia đình sử dụng phân bón hóa học bón cho vườn dừa. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá phân bón hóa học tăng cao, chi phí đầu tư lớn. Mặt khác, nhận thấy nhiều nông dân trong vùng sử dụng phân bò để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng rất tốt, nên ông học hỏi kinh nghiệm về áp dụng cho vườn dừa của gia đình.

Sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao ảnh 1Kiểm tra chất lượng bể ủ phân hữu cơ. Ảnh: baodongkhoi.vn

Theo ông Thắng, tận dụng nguồn phân bò để ủ phân hữu cơ nên chi phí giảm rất nhiều. Mỗi đợt ủ ông mua phân bò từ các hộ chăn nuôi trong vùng, thêm các chế phẩm sinh học để ủ phân, giá thành từ 1,5-2 triệu đồng cho 1 lần ủ, cho thu được hơn hai tấn phân hữu cơ. Số phân hữu cơ này so với phân hóa học chi phí rẻ hơn từ 3-4 lần.

Ông Thắng cho hay, sau gần hai năm áp dụng phân hữu cơ tự ủ, vườn dừa cho sinh trưởng tót trái nhiều chất lượng ổn định. Ông Thắng phân tích, sử dụng phân hữu cơ bón cho cây giúp cây chống chọi ảnh hưởng do hạn mặn tốt hơn so với phân hóa học. Sử dụng phân hữu cơ cây ít bị treo trái, chất lượng trái đồng đều, giúp cây đủ dinh dưỡng trong thời gian bị ảnh hưởng hạn, mặn. Nếu sử dụng phân hóa học phải sử dụng liên tục, nếu ngưng bón phân cây sẽ bị ảnh hưởng đến năng suất của cây. Bên cạnh đó, sử dụng phân hữu cơ thương lái thu mua dừa có giá cao hơn.

Nhiều năm qua, ông Phạm Văn Nhựt, trú tại xã Phong Nẫm cũng đã tự ủ phân hữu cơ để bón cho gần 5 ha lúa của gia đình. Ông Nhựt chia sẻ, gia đình nuôi 12 con bò nái sinh sản, lượng phân bò có rất nhiều, trước đây bán cho người thu mua nhưng không được bao nhiêu. Vì vậy, ông tự ủ phân bò để làm phân hữu cơ và chuyển sang trồng lúa theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, ông Nhựt dùng các sản phẩm sinh học như nấm xanh, nước tỏi ngâm để phun xịt trừ sâu bệnh gây hại cho cây lúa.

Ông Nhựt cho hay, từ khi sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học bón cho lúa giá thành sản xuất giảm từ 2-3 lần so với trước đây. Mặt khác, sản phẩm gạo được ông Nhựt bán ra thị trường giá cao hơn. Do vậy lợi nhuận từ sản xuất lúa áp dụng theo hướng hữu cơ giúp ông Nhựt có lợi nhuận tăng hơn 40-50 triệu đồng/ha.

Theo ông Nhựt, từ hiệu quả của việc ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng hiện nay các hộ dân tại xã đã áp dụng sử dụng phân hữu cơ tự ủ ngày càng nhiều hơn.

Tương tự, bà Đào Thị Tuyết Mai, xã Phú Đức, huyện Châu Thành cho hay, từ khi gia đình nuôi 15 dê nái, tận dụng nguồn phân và nước tiểu của dê để ủ phân hữu cơ để bón cho vươn bưởi. Nhiều năm qua, gia đình không tốn chi phí để mua phân bón hóa học như trước đây, giảm được chi phí mỗi năm từ 15-20 triệu đồng.

Theo bà Mai, sử dụng phân hữu cơ giúp cây bưởi phát triển tốt, năng suất tăng cao. Đặc biệt, cây bưởi phục hồi nhanh sau thời gian bị nhiễm mặn. Riêng đối với cây bưởi nếu sử dụng phân hữu cơ giúp thời gian sinh trưởng cây kéo dài, chất lượng trái ngon hơn bán được giá cao hơn.

Bà Mai chia sẻ, tận dụng nguồn phế phẩm trong chăn nuôi đẻ làm phân bón cho cây, giúp gia đình giảm bớt chi phí, từ đó thu nhập mỗi năm tăng lên được rất nhiều.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho hay, tỉnh Bến Tre có điều kiện chăn nuôi phát triển với hơn 200 nghìn con bò, 170 nghìn con dê, 3-4 triệu gia cầm, thủy cầm…Cho nên từ nguồn phân phế phẩm trong chăn nuôi có điều kiện rất tốt để làm phân bón hữu cơ. Hiện nay, các hộ dân trong tỉnh đang từng bước sản xuất phân hữu cơ để thay thế nguồn phân bón hóa học. Thực tế cho thấy, các vườn dừa hữu cơ được các công ty ký kết bao tiêu sản phẩm với gia cao hơn thị trường từ 12.000-15.000 đồng/chục (12 trái).

Mặt khác Bến Tre có vườn dừa, vùng sản xuất cây quả lớn, chất lượng cao để xuất khẩu. Vì vậy, sử dụng phân hữu cơ để thay thế phân bón hóa học góp phần từng bước chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để cho ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính trên thế giới.

Ông Đức thông tin,hiện ngành chức năng đang triển khai các mô hình ủ phân hữu cơ hiệu quả đẻ người dân nhân rộng. Đồng thời, khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp để sản suất ngày càng hiệu quả, bền vững.

Huỳnh Phúc Hậu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm